ASEAN ghi nhận quan ngại trước hành động đe doạ, cưỡng ép ở Biển Đông

Phương Anh | 07/04/2021, 19:30

Hội nghị ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngày 7/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quan chức Cấp cao (SOM) ASEAN theo hình thức trực tuyến.

ASEAN ghi nhận quan ngại trước hành động đe doạ, cưỡng ép ở Biển Đông - 1

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Hội nghị ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh khu vực, đi ngược lại cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tạo không khí bất lợi cho đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trước tình hình này, ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, từng bước nối lại đàm phán nhằm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và lập trường nguyên tắc, nỗ lực đàm phán để xây dựng COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

ASEAN ghi nhận quan ngại trước hành động đe doạ, cưỡng ép ở Biển Đông - 2

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Bên cạnh đó, phát biểu tại Hội nghị, các nước nhất trí đẩy mạnh nỗ lực triển khai các ưu tiên, định hướng đã thoả thuận nhằm duy trì đà xây dựng cộng đồng, phát triển quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như những thách thức đang nổi lên; đồng thời, tái khẳng định ủng hộ các sáng kiến do nước Chủ tịch Brunei đề xuất trong năm ASEAN 2021, trong đó có việc đề cao chủ nghĩa đa phương, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nhân đạo và ứng phó khẩn cấp của ASEAN, hợp tác kinh tế biển xanh…, và ghi nhận tiến triển ban đầu trong công tác thực hiện.

Hội nghị đã hoàn tất dự thảo lộ trình xây dựng cùng quy chế hoạt động của nhóm đặc trách cấp cao soạn thảo tầm nhìn ASEAN sau 2025; đồng thời nhất trí khẩn trương hoàn tất công tác kiểm điểm quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN.

Phương Anh
Bài liên quan
ASEAN là bài học quý giá cho các khu vực khác về xây dựng hòa bình
Tại Phiên thảo luận thứ nhất Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam ngày 23/4, Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho rằng thành công của ASEAN là bài học quý giá cho các khu vực khác trên thế giới trong việc xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất