Liên minh an ninh Mỹ-Anh-Australia sẽ tái định hình quan hệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Phạm Huân/VOV-Washington | 17/09/2021, 05:50

Mỹ, Anh và Australia vừa thông báo thành lập một liên minh an ninh mới với tên gọi AUKUS và sẽ giúp trang bị tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.

Sự ra đời của liên minh này sẽ có thể tái định hình các mối quan hệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thậm chí là các khu vực khác trên thế giới. Việc hình thành liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia sẽ ảnh hưởng tới một loạt nước lớn trên thế giới và ở các góc độ khác nhau.

Mỹ

10 năm trước, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ bắt đầu thảo luận sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi xoay trục ra khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ hiện đã rút toàn bộ binh sỹ khỏi Afghanistan trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Ở Thái Bình Dương, Mỹ và một số nước khác quan ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như cách hành xử của nước này đối với Nhật Bản, Đài Loan và Australia.

Khi công bố thỏa thuận thành lập liên minh an ninh mới, lãnh đạo cả ba nước Mỹ, Anh và Australia đều không nhắc tới Trung Quốc mặc dù Bắc Kinh coi AUKUS là một động thái khiêu khích. Mỹ trước đây chỉ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân duy nhất với Anh. Tổng thống Biden tuyên bố đã tới lúc cần đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.  

Anh

Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu theo thỏa thuân Brexit, Anh hiện đang tìm cách tái khẳng định vị trí toàn cầu của mình và một phần trong kế hoạch này là tăng cường tập trung cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết liên minh mới sẽ cho phép 3 nước tập trung hơn cho một khu vực ngày càng phức tạp hơn trên thế giới. Theo Thủ tướng Johnson, điều ý nghĩa hơn cả đó là liên minh này khiến 3 nước xích lại gần nhau hơn.   

Australia

Theo thỏa thuận với Mỹ và Anh, Australia sẽ sản xuất ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và hủy bỏ hợp đồng thuê Pháp đóng các tàu ngầm chạy bằng điện-dầu diesel. Các chuyên gia cho rằng các tàu ngầm hạt nhân sẽ cho phép Australia tiến hành các cuộc tuần tra dài hơn và mang lại cho liên minh sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn ở khu vực.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết đã có các cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước Nhật Bản và Ấn Độ để giải thích về liên minh với Mỹ và Anh. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ đã thàn lập cơ chế đối thoại chiến lược với tên gọi “nhóm Bộ Tứ”. Lãnh đạo nhóm này sẽ có cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 24/9 dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Pháp

Australia đã thông báo tới Pháp rằng nước này sẽ chấm dứt hợp đồng với công ty DCNS nhằm sản xuất 12 tàu ngầm thông dụng lớn nhất thế giới. Hợp đồng này trị giá hàng chục tỷ USD và điều này đã khiến Pháp tức giận và yêu cầu tất cả các bên giải thích.

Phát biểu trên đài phát thanh France-Infor, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi đây là “một cú đâm sau lưng” và “mối quan hệ tin cậy với Australia đã bị phản bội”.

Trung Quốc

Trung Quốc cho rằng liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia sẽ gây hại nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định khu vực và ảnh hưởng tới các nỗ lực ngừng phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung Quốc nhấn mạnh rằng Mỹ và Anh rất thiếu trách nhiệm trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân và Australia là nước khiến các mối quan hệ song phương bị gián đoạn.  

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, “điều khẩn thiết cần làm đối với Australia đó là nhận thức đúng đắn về các lý do dẫn tới các trở ngại trong quan hệ giữa hai nước và suy nghĩ cẩn thận về việc nên coi Trung Quốc là một đối tác hay một mối đe dọa.”

Bắc Kinh đã không hài lòng với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi bị chỉ trích trong vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, vấn đề dân chủ ở Hong Kong và các cuộc tấn công mạng. Tổng thống Biden tuần trước đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gọi, Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ quan ngại rằng chính sách của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc đã gây ra những “khó khăn nghiêm trọng” trong quan hệ giữa hai nước.   

New Zealand

New Zealand, nước láng giềng của Australia, là nước bên ngoài liên minh AUKUS. New Zealand đã từ lâu theo đuổi chính sách phi hạt nhân và cấm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân vào các cảng của nước này. Đây chính là một trở ngại mặc dù New Zealand có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, New Zealand không được mời gia nhập liên minh với Mỹ, Anh và Australia và cũng không kỳ vọng được mời. Tuy nhiên, do ở ngoài liên minh này, New Zealand sẽ không được chia sẻ nhiều thông tin bao gồm trí thông minh nhân tạo, và các năng lực phòng vệ dưới nước và trên không gian mạng./.

Bài liên quan
Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng có lợi với Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói đất nước ông sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đóng góp cho sự tiến bộ của nhau và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất