Gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine bao gồm các phương tiện, đạn phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, đạn pháo 155 mm, đạn chống tăng TOW và Javelin cùng nhiều vũ khí khác có thể được đưa vào sử dụng ngay trên chiến trường.
Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng thông báo cạn kiệt ngân sách sau khi sử dụng tới 113 tỷ USD trong các gói viện trợ đã được quốc hội phê duyệt. Điều này khiến quá trình hỗ trợ vũ khí cho Kiev bị gián đoạn.
Tổng thống Mỹ từng yêu cầu Quốc hội nước này cung cấp viện trợ 60,8 tỷ USD cho Ukraine, nhưng sáng kiến này bị đình trệ khi đảng Cộng hòa tại Hạ viện từ chối thúc đẩy biện pháp này trong nhiều tháng.
Đến ngày 20/4, Hạ viện Mỹ mới chính thức thông qua gói viện trợ này. Sau khi vượt qua "cửa ải" Hạ viện, Thượng viện Mỹ sẽ sớm xem xét dự luật này. Nếu Thượng viện thông qua, Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành dự luật này, cung cấp hỗ trợ quân sự cần thiết cho Ukraine và Israel.
Một khi dự luật hỗ trợ cho Ukraine, Israel được ký kết, quỹ bổ sung dự trữ sẽ tăng trở lại, giúp giảm bớt lo ngại của Lầu Năm Góc về việc sử dụng Quyền Rút vốn của tổng thống (PDA) để hỗ trợ Ukraine. PDA cho phép tổng thống ủy quyền chuyển vũ khí dư thừa của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
Một khi ngân sách hỗ trợ được triển khai, các công ty quốc phòng Mỹ sẽ giành được nhiều hợp đồng hơn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Cùng thời điểm, Anh chính thức công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine. Gói viện trợ của Anh trị giá 617 triệu USD, bao gồm hơn 400 phương tiện, 60 tàu thuyền và một số tên lửa tầm xa Storm Shadow, và số đạn dược quan trọng chưa được tiết lộ.
Gần đây, các nước thành viên NATO và EU tiếp tục tăng cường cam kết viện trợ cho Kiev. Trong đó, có gọi viện trợ quân sự 533 triệu USD do Đức đưa ra vào tháng trước.