Gia Lai chủ trương bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên | 28/04/2022, 21:47

Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia khuyến nghị tỉnh Gia Lai cần coi các di sản văn hoá là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng Gia Lai thành điểm đến di sản ở Tây Nguyên.

Hôm nay (28/4), Đoàn công tác của Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, về khuyến nghị của UNESCO đối với các di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia, bảo vật quốc gia.

Tỉnh Gia Lai có 33 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng. Trong đó có quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (Thị xã An Khê) được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cùng 8 di tích quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Không gian văn hoá cồng chiêng, Sử thi dân tộc Ba Na, Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui, được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Với quần thể di tích An Khê và huyện Đak Pơ, những năm gần đây đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị quan trọng, có niên đại cách đây khoảng 80 vạn năm, được coi là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo tồn các di tích văn hoá quý giá này vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, hiện địa phương không có Ban Quản lý di tích hay Trung tâm Bảo tồn di tích; Thị xã An Khê, nơi có 2/3 di tích của tỉnh và hàng nghìn hiện vật khảo cổ, nhưng chưa có thiết chế bảo tàng chính thức; chế độ đãi ngộ với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hoá chưa đảm bảo để họ phát huy khả năng.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia khuyến nghị, bên cạnh việc cần làm tốt công tác bảo tồn, tỉnh Gia Lai cần coi các di sản văn hoá là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng Gia Lai thành điểm đến di sản ở Tây Nguyên.

Để làm được điều đó, tỉnh cần quy hoạch tổng thể, chiến lược về bảo tồn văn hoá; cần ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác đào tạo nguồn lực bảo tồn di sản, ứng dụng công nghệ số; chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, góp phần duy trì đội ngũ giữ gìn, phát huy văn hoá phi vật thể.

Tiếp thu những khuyến nghị của các thành viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai xin tiếp thu đầy đủ, xem như đây là bổ sung vào xây dựng kế hoạch, hoạch định của tỉnh khi có quy hoạch tổng thể, có chiến lược về bảo tồn phát triển văn hoá.

“Tỉnh Gia Lai sẽ nghiên cứu, đề xuất HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết đặc thù về bảo tồn văn hoá và chính sách với nghệ nhận, cơ chế để giữ nhà rông, ngành nghề truyền thống. Đặc biệt là cam kết trách nhiệm của tỉnh trong việc cùng với Cục Di sản và Bộ Văn hoá Thể thao - Du lịch để thực hiện các cam kết với UNESCO”, bà Lịch nêu rõ./.

Bài liên quan
Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.
VOVLIVE - Dòng họ Nguyễn Cảnh, có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An. Với 25 đời con cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc với truyền thống “Trung cần nhân nghĩa - Bảo quốc hộ dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất