F0 triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh bị hụt hơi khó thở, chẩn đoán tổn thương phổi

Thanh Hải | 09/03/2022, 07:16

Nhiều F0 dù khỏi bệnh nhưng các triệu chứng vẫn tồn tại dai dẳng, thậm chí xuất hiện triệu chứng mới liên quan hậu COVID-19.

Các bác sĩ cho biết, phần lớn các bệnh nhân COVID-19 được theo dõi điều trị khỏi bệnh, nhưng sau đó xuất hiện triệu chứng kéo dài vài tuần tới vài tháng, một số trường hợp để lại di chứng nặng nề. Các triệu chứng hay gặp sau nhiễm COVID-19 biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó các biểu hiện về hô hấp là phổ biến.

Hụt hơi, khó thở

Anh Nguyễn Hải A. (36 tuổi, Hà Nội) nhiễm COVID-19 từ 12/1/2022 và được xác định khỏi bệnh ngày 21/1. Trong giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp, anh chỉ có biểu hiện nhẹ là chảy dịch mũi và đau mỏi người. Đến thời điểm sau mắc COVID-19 gần 1 tháng, anh xuất hiện hụt hơi khi nói câu dài và cảm thấy khó thở khi đi lại nhanh. Anh tìm tới phòng khám chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai.

Qua thăm khám, chụp phim và đánh giá chức năng hô hấp, anh được chẩn đoán tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến COVID-19 rối loạn thông khí hạn chế. Ngoài việc được kê thuốc điều trị, anh được bác sĩ hướng dẫn tập thở và vận động để phục hồi chức năng hô hấp và thể lực. Với người trẻ không triệu chứng khi nhiễm bệnh vẫn có thể mắc hội chứng hậu COVID-19. Vì vậy, việc theo dõi sát các biểu hiện bất thường của bản thân là việc cần thiết, không nên chủ quan.

F0 triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh bị hụt hơi khó thở, chẩn đoán tổn thương phổi - 1

Chị Đ.T.N đang nghe bác sĩ tư vấn.

Đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chị N.T.L, 40 tuổi (Đặng Xá, Gia Lâm) chia sẻ, sau khi khỏi bệnh, chị luôn thấy người mệt mỏi, đau nhức vùng mạn sườn và ngứa họng. Tại bệnh viện, chị được bác sĩ tư vấn về điều trị hậu COVID-19.

Chị Đ.T.N sau khi khỏi COVID-19 cho biết thường xuyên thấy ngứa họng, đau người, mệt mỏi, đêm khó ngủ. Đôi lúc chị cảm thấy khó hòa nhập với mọi người, như bị tách biệt. Chị được bác sĩ tư vấn và cho đơn thuốc, hẹn khám lại sau 5 ngày.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô thời gian này cũng khá đông bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân D.V.H (Vĩnh Tuy, Hà Nội) nói, sau khi khỏi COVID-19, ông thấy sức khỏe giảm sút, thỉnh thoảng ho có đờm. Ông đến khám để nghe bác sĩ tư vấn về sức khỏe hiện nay.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, "Hội chứng COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19” biểu hiện đa dạng và có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan trên cơ thể.

Ngoài triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể có biểu hiện về tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; về sức khỏe tâm thần có thể thấy mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não), …

Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID-19.

Cách phòng di chứng hậu COVID-19

PGS.TS Phan Thu Phương cũng cho biết, để phòng di chứng hậu COVID-19 việc đầu tiên quan trọng là tiêm vaccine. Thứ hai, khi không may trở thành F0, người bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lý và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng.

Nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Dấu hiệu bất thường ở trẻ em như rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc

F0 triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh bị hụt hơi khó thở, chẩn đoán tổn thương phổi - 2

Bệnh nhân khám hậu COVID-19 tại BV Hữu nghị Việt Xô.

Thứ ba, khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe sau nhiễm COVID-19, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng, bệnh lý mắc phải để điều trị kịp thời, hiệu quả.

BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang khuyên bệnh nhân COVID-19 dù nặng hay nhẹ, kể cả không triệu chứng điều trị tại nhà, sau 2 tuần khỏi bệnh nên đi khám.

“Có những bệnh nhân tiềm tàng, không rõ triệu chứng, nhưng gặp vấn đề rối loạn đông máu mà phải xét nghiệm, hoặc có vài người phải chụp phim phổi mới rõ tổn thương thế nào…”, ông Thường nhấn mạnh.

Thanh Hải

Bài liên quan
Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm
Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết, bà bị ho, khó thở kéo dài và điều trị suốt 1 năm không đỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất