Vì sao bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa?

Chung Thủy/VOV.VN | 11/04/2024, 10:45

Nếu như trước đây, tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì những năm gần đây, tỷ lệ người mắc căn bệnh này có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nếu không được thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị, người bệnh rất dễ gặp những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng hơn 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường (TĐ). Trong đó gần 60% bệnh nhân có biến chứng. Cụ thể, 34% là biến chứng tim mạch; hơn 40% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; khoảng 25% biến chứng về thận.

Đáng nói, độ tuổi mắc bệnh TĐ ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi thì nay căn bệnh này lại gặp ở nhiều người thuộc lứa tuổi 25-30, thậm chí có những trẻ 12-13 tuổi đã bị tiểu đường mà bản thân hay gia đình không hề biết.

Em Tuấn Ngọc, 17 tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) vốn khỏe mạnh, bỗng dưng em cảm thấy cơ thể mệt mỏi, sụt cân, mắt mờ và liên tục khát nước mà không rõ nguyên nhân. Đi khám, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán em bị TĐ tuýp 1, đường huyết tăng cao, ở mức 29,2 mmol/l, phải nhập viện cấp cứu và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân khiến người mắc bệnh TĐ ngày càng trẻ hóa là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tinh bột, kẹo bánh, đồ ngọt, lười vận động, hay ăn đêm… dẫn đến béo phì, gây áp lực lên tuyến tụy, từ đó dẫn đến TĐ. Ngoài ra, nếu bố, mẹ mắc tiểu đường hoặc nếu người mẹ bị TĐ thai kỳ thì khi sinh ra, con cũng có nguy cơ bị TĐ cao.

Tiểu đường được phân thành hai loại gồm, TĐ type 1 và TĐ type 2. TĐ type 1 thường gặp ở người trẻ. Tình trạng bệnh lý này xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất từ 10-14 tuổi. TĐ type 2 là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất và thường liên quan đến đề kháng insulin.

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như: khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đau bụng, nôn, rối loạn ý thức… thì cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cũng theo các bác sĩ, để điều trị TĐ type 1, việc tiêm insulin hàng ngày vào cơ thể là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại, đồng thời kiểm soát đường huyết tốt, góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng; Người bị TĐ type 1 nên theo dõi đường huyết hàng ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp theo đường máu tại nhà.

Với TĐ type 2, tỷ lệ người trẻ mắc căn bệnh này cũng có xu hướng gia tăng những năm gần đây. Tỷ lệ này chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện.

Cần làm gì để kiểm soát bệnh tiểu đường?

Các nghiên cứu cho thấy, người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, tỷ lệ biến chứng rất cao, thời gian dẫn đến biến chứng sớm và nặng hơn. Bị TĐ khi tuổi còn trẻ đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải “sống chung” với bệnh đến hết cuộc đời.

Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường có thể gặp như tổn thương giảm thị lực, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân, tổn thương thận dẫn đến suy thận, xơ vữa mạch máu gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não và có thể gây tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho hay, để phòng, tránh bệnh TĐ, cần ăn uống điều độ, đúng bữa; Phải có chế độ tập luyện, sinh hoạt hợp lý, tránh ăn đêm, tránh ăn quá no và phải có thói quen vận động giảm cân nếu bị dư cân; không dùng các thức ăn quá nhiều đường, nhiều tinh bột, đặc biệt, không lạm dụng đồ uống có cung cấp lượng carbonhydrate lượng đường quá cao để cung cấp năng lượng.

“Với những người đã bị bệnh TĐ, để kiểm soát tốt bệnh, ngoài chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh; giảm đường, chất béo và cân bằng dinh dưỡng, cần điều chỉnh chế độ ăn, chế độ tập luyện; Không ăn nhiều đồ ngọt, giảm bớt tinh bột, ăn nhiều bữa trong ngày, dùng các thực phẩm chỉ số đường huyết thấp để thay thế các bữa ăn; Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ số đường máu, đây là việc rất quan trọng để tránh biến chứng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, bác sĩ Khiêm nói.

Bác sĩ Khiêm khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi thấy con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn thì nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh TĐ, điều trị đúng cách, tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra. Ngoài ra, người bị bệnh TĐ cần tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tái khám định kỳ, không tự ý bỏ thuốc hay sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc; Người trẻ cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhanh, nước uống có lượng đường cao, duy trì chế độ rèn luyện thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày.

Bài liên quan
MB Ageas Life: Tri ân khách hàng - Miễn phí thăm khám sức khỏe
VOVLIVE - Ngày 13/4/2024 tới đây, chương trình tri ân khách hàng “Trao an tâm - Bền sức khoẻ” sẽ được MB Ageas Life tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Bệnh viện Medlatec, Bệnh viện U Bướu Trung ương, Trung tâm Y Khoa Vạn Hạnh, với hoạt động thăm khám, tặng quà sức khoẻ miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất