“Mổ xẻ” thành công và hạn chế của Nghị quyết 30 trong chống dịch COVID-19

Thiên Bình/VOV.VN | 27/09/2022, 16:52

Sáng 27/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống COVID-19.

Yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là chưa từng có tiền lệ, vô cùng phức tạp, rất khó lường, đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội, thậm chí là nền tảng chính trị của một số quốc gia. Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, thế giới có trên 620 triệu người nhiễm và 6,5 triệu người chết.

Những quyết sách kịp thời, quan trọng

Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung làm rõ sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết 30 để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Sau khi triển khai thực hiện các chính sách phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết 30, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30, Nghị quyết đã tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh. Trong đợt dịch thứ 4, trong thời gian ngắn đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch, trong đó tập trung cho TP.HCM. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại cuộc họp cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh.

Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Cần gỡ rối đầu thầu, thiếu thuốc

Trong thời gian đầu của đợt dịch thứ 4, với sự xuất hiện của biến chủng Delta, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống quản lý, năng lực quản lý các cấp. Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Việc triển khai một số quyết sách như giãn cách xã hội, xét nghiệm phát hiện người nhiễm còn chậm, chưa nghiêm.

Hệ thống y tế bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát. Người dân khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế khi dịch bùng phát trên diện rộng, dẫn đến tình trạng quá tải.

Công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp thời bảo đảm, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Việc giải ngân các gói an sinh xã hội còn chậm, thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có nơi không đủ lương thực, thực phẩm. Việc chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là nhân viên y tế tại một số địa phương thực hiện còn chậm, thủ tục còn rườm rà.

Mặc dù Nghị quyết số 30 đã cho phép việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế; tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc triển khai mua sắm còn rất hạn chế, đặc biệt tại các địa phương dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Một số địa phương cũng phản ánh tình trạng, một số thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm mua từ ngân sách Nhà nước và  được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị COVID-19, đặc biệt, là sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT- PCR do chiến lược xét nghiệm thay đổi, tình hình dịch đã được kiểm soát.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho rằng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh, “cần có quy định cho việc mua dự trù như thế nào là phù hợp”, nhưng đồng thời cần có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch và đề xuất cần phải có hướng dẫn chi tiết để hạn chế tối đa lãng phí. Việc hạn chế được tình trạng lãng phí trong cơ chế mua sắm còn giúp gỡ bỏ phần nào gánh nặng và ảnh hưởng tâm lý cho ngành y tế.

Trong quá trình chống dịch, ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng còn bộc lộ hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc tích hợp thành một ứng dụng duy nhất trong quản lý, truy vết, tổ chức khám, tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý đi lại còn chậm, chưa tạo thuận lợi cho người dân. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị khẩn trương hoàn thiện các hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin được phát triển trong quá trình phòng, chống dịch để nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế… 

Theo dự thảo báo cáo, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, do đó Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung, cập nhật theo quy trình, thủ tục thì trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyền quyết định cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30 để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Qua các ý kiến đóng góp Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu và kiến nghị: “Kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc; tiếp tục thực hiện cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19; đánh giá sâu hơn các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế bổ sung, làm rõ hơn các vướng mắc thể chế cần tiếp tục được hoàn thiện, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm ở cấp nào; quan điểm, hướng xử lý đối với việc mua sắm cao hơn so với nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh./.

Tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khoá XV đã ban hành Nghị quyết số 30, trong đó quy định về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết để giải quyết những vướng mắc rất cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. Điều đó thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần “tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”. 

Các chính sách, biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân.

Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng. Số ca mắc giảm thấp, giảm mạnh tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Hệ thống y tế đã được củng cố, các biện pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, nguồn lực cho y tế đang được triển khai quyết liệt.

Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP, Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ.

Bài liên quan
Người Mỹ lại tích trữ giấy vệ sinh như thời dịch COVID-19
Nhiều người Mỹ lại bắt đầu tích trữ giấy vệ sinh do lo ngại các cuộc đình công ở cảng biển làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng thiết yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất