Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái: Liên kết và lan tỏa

Hoàng Hiền/VOV-Đông Bắc | 25/02/2024, 09:12

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được Tổ chức Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và các biểu đạt văn hóa của thực hành Then cũng trở nên "phương thức" giúp tăng cường giao tiếp giữa các cá nhân và cộng đồng.

Liên Chi hội di sản văn hoá Then của Hội Di sản văn hoá Việt Nam được thành lập với vai trò gắn kết các Chi hội, góp phần nâng tầm di sản.

Then là thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ then diễn tả hành trình ông Then, bà Then (Pửt, Giàng, Sliên) điều khiển đoàn âm binh từ mường đất lên mường trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu an lành, sức khỏe, mùa màng tốt tươi... Ngày 12/12/2019, thực hành Then cúa người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực tham gia sưu tầm, nghiên cứu phục hồi di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, hiện nhiều di sản đã được công nhận và giữ gìn, bảo vệ, song cũng còn nhiều di tích, di vật vẫn đang nằm trong lòng đất, trong làng bản, trong nhân dân chưa được sưu tầm, quản lý bảo vệ và phát huy tác dụng. 

Ông Bình nói: "Các nghệ nhân đã tụ hội về đây để cùng nhau hát lên lời then, tiếng tính của quê hương mình, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản này. Với trách nhiệm của người trẻ đi tiên phong, chúng tôi nhận thấy cần phải có thêm biện pháp bảo tồn trong cộng đồng, trong giới trẻ để làn điệu then và thực hành then của người Tày, người Nùng, người Thái không bị mai một".

Tiến sỹ Hoàng Thị Hồng Hà, người Việt Nam duy nhất công tác tại Maison des cultures du monde (Ngôi nhà của các nền văn hóa thế giới - MCM) thuộc Trung tâm Di sản Văn hóa Pháp (CFPCI) luôn quan tâm đến Then và đã có nhiều dự án về Then cũng như đưa đoàn nghệ nhân, nghệ sỹ là người Tày, người Nùng sang trình diễn ở thủ đô Paris (Pháp) giới thiệu với kiều bào và cộng đồng quốc tế: "Tôi muốn Then được biết đến nhiều hơn nữa, được trân trọng nhiều hơn để xứng đáng với giá trị trình diễn độc đáo này. Hiện tại, tôi thấy có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các giải pháp và tôi thấy đó là những giải pháp rất khả thi. Một biện pháp mà tôi cảm thấy cần phải chú trọng nhất đó là đào tạo đội ngũ kế cận để Then luôn được bảo tồn và phát huy".

Liên Chi hội di sản văn hoá Then ra đời theo Quyết định số 53 của Hội Di sản văn hoá Việt Nam và nguyện vọng chính đáng của những nghệ nhân Then, nhà nghiên cứu văn hóa Then, những người yêu thích Then trong cả nước. Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Liên Chi hội di sản văn hoá Then (Hội Di sản văn hoá Việt Nam) cho biết: "Việc ra đời Liên chi hội di sản văn hóa then lúc này có ý nghĩa nhằm thực hiện tinh thần tôn vinh giá trị di sản văn hóa then mà UNESCO đã ghi danh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và du lịch hiện nay ở vùng người Tày, Nùng, Thái nói riêng và vùng miền núi nói chung. Đẩy mạnh việc truyền dạy hát then đàn tính, múa chầu trong then, sưu tầm nghiên cứu tư liệu, dịch lời then từ tiếng dân tộc ra tiếng Việt, qua đó học tập lẫn nhau giữa các tỉnh, các dân tộc về phương pháp, hình thức thích hợp".

Hiện nay, hầu hết 11 tỉnh (gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai) có di sản Then đều đang tích cực triển khai Dự án về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719, nhờ đó, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Then trở nên thiết thực, rộng rãi hơn. Liên Chi hội di sản văn hoá Then được thành lập hứa hẹn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng tầm di sản Then cũng như góp phần nâng tầm du lịch Việt Nam.

Bài liên quan
Nghề làm bột gạo Sa Đéc đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” vào tối ngày 26/4.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất