Một tuần nay, ông Ngô Minh Châu (trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) túc trực cả ngày lẫn đêm ở cánh rừng sản xuất thuộc xã Đại Quang - nơi vừa trải qua trận hỏa hoạn khiến ông cùng hơn 10 hộ nông dân khác như ngồi trên đống lửa.
Trưa 27/4, dưới cái nắng gay gắt chạm ngưỡng 40 độ, ông Châu cùng 60 người đang cặm cụi cưa hạ những thân keo cao lớn bị cháy sém - tàn dư còn sót lại sau vụ cháy rừng quy mô lớn.
Gương mặt thất thần, đôi mắt ầng ậng nước, ông Châu thở dài khi nhắc đến trận hỏa hoạn khiến gia đình ông trắng tay.
Rạng sáng 21/7, ông nhận cuộc gọi của người dân sinh sống gần khu vực rừng Đại Quang, báo tin rừng keo lá tràm đang cháy lớn. Vợ chồng ông tức tốc chạy xe máy vượt hơn 10 cây số tới bìa rừng, sau đó bỏ lại xe và tiếp tục cuốc bộ thêm 1 cây số nữa để có mặt ở khu đất rộng 30 ha của gia đình.
Tại đây, hai vợ chồng bủn rủn chân tay, bấn loạn khi trước mắt mình, biển lửa đang bao trùm lấy cánh rừng sản xuất rộng mênh mông.
"Không có lấy bất kỳ một dụng cụ chữa cháy, nước cũng không có lấy một giọt nên tôi cùng một số người chỉ còn biết khoanh vùng, dốc sức tách thực bì ra khỏi các đám cháy nhằm hạn chế lửa lan rộng. Sau chừng 17 tiếng đồng hồ, nhờ cơn mưa dông nên đám cháy mới cơ bản được khống chế, chỉ còn cháy âm ỉ ở một vài khu vực và được lực lượng kiểm lâm cùng người dân phối hợp dập tắt" - ông Châu nhớ lại, nghẹn ngào khi nghĩ về vụ keo thất thu.
5 năm trước, ông Châu đầu tư mua hơn 200.000 cây keo giống và bắt đầu công cuộc phủ xanh toàn bộ 30 ha đất rừng Đại Quang. Sau nhiều năm cất công vun trồng, dự kiến giữa năm nay, gia đình sẽ thuê nhân công để thu hoạch keo.
Nhắc đến đây, ông Châu cho hay: "Ước tính, với giá keo dao động từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tấn, 30 ha keo lá tràm sẽ cho doanh thu khoảng 2,1 tỷ đồng (trung bình 1 ha thu được 70 triệu đồng). Nào ngờ, trận hỏa hoạn oan nghiệt đã thiêu rụi toàn bộ vốn liếng, mồ hôi công sức mà gia đình bỏ ra ròng rã mấy năm qua".
Để vớt vát vốn liếng - dù rất nhỏ, ông Châu quyết định thuê 60 lao động, bắt tay thu hoạch keo để bán củi khô từ ngày 22/4 đến nay.
Ông Châu thông tin thêm, 1 ha keo tươi sẽ cho doanh thu 70 triệu, còn keo bán lấy củi thì chỉ thu về chừng 15 triệu đồng. "Keo lá tràm một khi đã cháy, dù ít dù nhiều thì chỉ còn nước bán lấy củi bởi không thể bóc vỏ được. Nếu bán tống bán tháo toàn bộ số keo cháy này, sau khi trả thù lao cho nhân công và chi phí vận chuyển, tôi nghĩ số dư chẳng đáng là bao. Nhưng dù sao cũng phải cưa hạ, phát dọn để đầu tư lại lứa keo mới. Vụ này coi như công cốc" - ông Châu giãi bày.
Kể từ thời điểm xảy ra vụ cháy, vợ chồng ông Phạm Hoài Ninh và chị Nguyễn Thị Trà (trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) ngày nào cũng lên thăm rừng. Cũng như hộ ông Châu, vụ keo này đối với gia đình ông Ninh coi như thất bại toàn tập.
Đến bây giờ, vợ chồng chị Trà vẫn không thể tin xui rủi lại ập đến với gia đình bất ngờ tới vậy. Theo kế hoạch, 20 ha keo lá tràm (5 năm tuổi) của gia đình sẽ được thu hoạch vào đầu tháng 5 - tức thời điểm cách hôm xảy ra hỏa hoạn vỏn vẹn 10 ngày.
"Rừng keo này được chúng tôi mua lại của một chủ rừng ở cùng địa phương hồi đầu năm 2023 với giá 2 tỷ đồng, bao gồm cả đất và keo lá tràm đã cao lớn. Lúc chân ướt chân ráo đầu tư sản xuất, vợ chồng phải vay ngân hàng cả tỷ đồng và mượn thêm của người thân, bạn bè mới có đủ vốn. Cách đây một tháng, 20 ha keo này đã được thương lái chốt giá 1,1 tỷ đồng.
Nào ngờ, người tính không bằng trời tính, khi cả hai vợ chồng cứ đinh ninh vụ keo này sẽ bội thu thì vụ cháy đã cướp đi tất cả", chị Trà than và đang cảm thấy sốt ruột khi không biết xoay xở đâu ra tiền để trả nợ.
Ngoài trường hợp của gia đình ông Châu, chị Trà, vụ cháy rừng vừa qua đã khiến hơn 10 hộ dân khác lâm cảnh trắng tay. Hộ ít nhất 4 ha, còn hộ nhiều như ông Châu lên đến 30 ha. Theo ước tính của các hộ dân thì tổng diện tích keo bị thiệt hại vượt con số 100 ha.
Trả lời VTC News, ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc - cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin ban đầu về vụ cháy rừng. "Hiện tại, Phòng Nông nghiệp đang chờ kiểm lâm thống kê chính xác diện tích rừng bị cháy, cũng như nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Từ đó, chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện để có phương án hỗ trợ bà con", ông Phương nói.