Bà con bản Hìn nỗ lực bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc

Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc | 18/03/2021, 06:00

Ngay khi thành lập, cùng với duy trì các tiết mục múa đương đại được bà con yêu thích, câu lạc bộ đã phục dựng lại bài xòe cổ, trong đó có 7 bài xoè cổ của đồng bào Thái Sơn La.

Bản Hìn, phường Chiêng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La từ xưa đã được biết đến với nhiều thế hệ nghệ nhân hát dân ca Thái, nghệ nhân thổi sáo, thổi kèn bè, kéo nhị. Đây là kết quả của nhiều năm chính quyền và người dân đồng lòng miệt mài bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. 

Để những làn điệu dân ca, những điệu múa, tiếng nói, chữ Thái được lưu truyền mãi cho thế hệ con cháu, từ tháng 10 năm 2020, câu lạc bộ “ Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Thái” bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La đã được thành lập, với 85 hội viên tham gia. Hội viên trong câu lạc bộ đều là những người đam mê, yêu thích văn hoá văn nghệ từ các ông, các bà là nghệ nhân cao tuổi đến các cháu học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ngay khi thành lập, cùng với duy trì các tiết mục múa đương đại được bà con yêu thích, câu lạc bộ đã phục dựng lại bài xòe cổ, trong đó có 7 bài xoè cổ của đồng bào Thái Sơn La. Nguồn gốc của các bài xoè cổ bắt nguồn từ lễ hội “ xên bản”, “ xên mường”, thường tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Sau khi ăn tết xong bà con “ lống tông” (xuống đồng), trước khi vào mùa vụ mới cả bản thường làm lễ “ xên bản” (cúng bản) cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mọi người trong bản đều khoẻ mạnh...Sau khi tổ chức xong phần lễ, phần hội bà con tổ chức vui chơi, cùng nắm tay nhau xoè, như xoè “Tăng Lỏng”, xoè xoi xôm, xòe lảu nó, xoè xỏng xên...

“Ngày xưa thấy các bà, các mẹ xoè vòng quanh chum rượu cần, dựng cây chuối, cây nêu treo các con vật tượng trưng như con ve, con chim...xoè “lảu nó”, xoè “xỏng xên”, học ở các bà, các mẹ, nay tổ chức phục dựng lại, chị em trong bản ai nấy đều phấn khởi cùng nhau múa xoè để sau này truyền lại cho con cháu, để văn hoá  của dân tộc mình không bị mai một...”.- Bà Lò Thị Tâm, hội viên Câu lạc bộ cho biết.

Công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ các làn điệu dân ca Thái cũng được câu lạc bộ chú trọng, do nghệ nhân Lò Thị Ban đảm nhiệm. Với kinh nghiệm qua các hội diễn văn nghệ quần chúng và các nghệ nhân cao tuổi, chị đã truyền cho thế hệ trẻ sự nhiệt huyết đam mê.  Các em không những thể hiện các bài hát theo nhạc hiện đại mà còn thể hiện được nhiều bài hát dân ca Thái. Hiện có 2 cháu là con em hội viên trong câu lạc bộ đang theo học trường trung cấp nghệ thuật tỉnh Sơn La chuyên khoa thanh nhạc.

Nghệ nhân Lò Thị Ban cho biết thêm: “Hát dân ca Thái có nhiều kiểu hát, hát dân ca cổ phải có nhạc cụ đệm cho phù hợp, như hát long tông “giao duyên” thì hát đệm pí tam lay “sáo trúc dài”. Ngày nay hát đệm khèn bè cũng rất nhiều thể loại, tôi truyền dạy cho thế hệ trẻ và cả các chị, các mẹ lớn tuổi có nhu cầu thì tôi luôn cố gắng để sau này các bà, các mẹ biết và truyền dạy cho con cháu trong gia đình”.

Hiện nay, câu lạc bộ cũng đã mở được một lớp truyền dạy chữ Thái cho bà con trong bản, thu hút được 35 học viên theo học, trong đó có 6 em học sinh. Hiện nay lớp học vẫn được duy trì, với mục tiêu phấn đấu mọi học viên đều đọc thông, viết thạo, để ai cũng biết được tiếng, chữ của dân tộc mình. 

“Lớp học chữ Thái để mọi học viên đều đọc thông, viết thạo. Đến kỳ nghỉ hè các em học sinh có nhu cầu học tiếp tục cho các em vào học. Về các nhạc cụ dân tộc, tới này sẽ mời các ông có kinh nghiệm trong việc sử dụng nhạc cụ dân tộc về truyền dạy cho thế hệ trẻ để các cháu kế tiếp truyền thống văn hoá của bản.  Câu lạc bộ mới thành lập cũng mong Đảng, nhà nước tạo điều kiện giúp chúng tôi có tăng âm, loa đài, có tài liệu để phục vụ cho câu lạc bộ hoạt động.”- Chị Lò Xuân Hưởng, chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá Thái bản Hìn chia sẻ.

Sẽ còn nhiều việc mà bà con bản Hìn phải làm để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Thái. Và công việc đầy ý nghĩa ấy chắc chắn sẽ thành công, bởi có sự đồng lòng, quyết tâm của mỗi người con của bản./. 

Bài liên quan
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất