Từ thành công của "Đào, phở và piano", hướng đi nào để phim lịch sử phát triển

Thủy Tiên/VOV1 | 18/03/2024, 08:27

Đào, phở và piano” được đánh giá cao, các bộ phim lịch sử trước đây cũng bỗng chốc được nhiều khán giả tìm kiếm. Nhìn nhận thành công này, có thể thấy phim lịch sử hoàn toàn tiếp cận sâu rộng đến công chúng nếu kịch bản tốt, được đầu tư nghiêm túc và chú trọng truyền thông.

Tạo nên cơn sốt ngay từ đầu năm, "Đào, phở và piano" được xem là hiện tượng phòng vé chưa từng có của điện ảnh Việt. Lặng lẽ ra rạp, không quảng bá rầm rộ, thậm chí không có cả trailer nhưng phim nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng từ những bài phản hồi trên mạng xã hội. “Đào, phở và piano” được đánh giá cao, các bộ phim lịch sử trước đây cũng bỗng chốc được nhiều khán giả tìm kiếm. Nhìn nhận thành công này, có thể thấy phim lịch sử hoàn toàn tiếp cận sâu rộng đến công chúng nếu kịch bản tốt, được đầu tư nghiêm túc và chú trọng truyền thông.

Ngay trong những ngày phim “Đào, phở và piano” liên tục cháy vé tại các cụm rạp, một số đạo diễn cho biết nhận được lời đặt hàng làm phim lịch sử. Tuy nhiên, với các đạo diễn gạo cội như đạo diễn Phi Tiến Sơn (Đào, phở và piano), đạo diễn Đặng Nhật Minh (bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46), việc xây dựng kịch bản đề tài lịch sử chưa bao giờ dễ dàng.

Đạo diễn gốc Hà Nội - Phi Tiến Sơn thừa nhận ông mê đề tài lịch sử nhưng cũng lo sợ khi làm phim chính sử. Vì vậy, ông đã chọn một hướng riêng lấy bối cảnh lịch sử, không khí của một giai đoạn lịch sử để tạo nên một câu chuyện với những nhân vật hư cấu.

Còn với đạo diễn Đặng Nhật Minh, để thực hiện bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu lịch sử cuộc kháng chiến của đất nước và tư liệu của nước ngoài để có góc nhìn toàn diện.

NSND Đặng Nhật Minh nói: “Trách nhiệm là người viết kịch bản, tôi sợ nhất mình làm không đúng lịch sử, chiếu ra người xem có ý kiến, phim này được chiếu ở nước ngoài nhiều lắm, ở Pháp, Hà Lan, Ấn Độ thì rất may mỗi lần chiếu phim này ra nước ngoài đặc biệt là chiếu ở Pháp, tôi run lắm vì phim này nói về chuyện lịch sử rất nhạy cảm giữa hai dân tộc nhưng các bạn Pháp xem xong rồi vỗ tay, nhân vật bác hồ rất thiện cảm, cảm tình, không ai thắc mắc. Vì thế này, trước khi viết kịch bản, tôi đọc rất nhiều những hồi ký, tư liệu lịch sử phái ta viết, cả phái Pháp viết nữa, tôi đều nghiên cứu rất kỹ, cho nên rất may mỗi lần chiếu ở nước ngoài không ai bắt bẻ gì, công nhận là tôi làm đúng”.

Dành nhiều năm say mê và thực hiện đề tài phim lịch sử, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, một số phim Việt Nam về thời phong kiến thường bị nhầm lẫn với phim Trung Quốc, vì vấn đề phục trang. Ông cho rằng các nhà làm phim nên chú trọng vấn đề này, cần nghiên cứu, tìm hiểu trang phục nguyên bản của các thời kỳ và tạo phong cách riêng không thể nhầm lẫn với văn hoá của các nước khác. Một khó khăn nữa mà các đạo diễn làm đề tài phim lịch sử thường gặp là bối cảnh phim, muốn tái hiện một góc phố hay một phương tiện giao thông thời xưa, đoàn làm phim thường phải thiết kế, tái hiện phim trường từ đầu, sau khi phim đóng máy, phim trường bị dỡ bỏ, gây lãng phí.

Về vấn đề này, hoạ sỹ thiết kế mỹ thuật phim Phạm Quốc Trung đề xuất giải pháp: “Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của mình là một quá trình rất dài. Trong đó có thể làm những đề tài lịch sử như trận chiến bạch đằng 3 lần đánh quân nguyên của thời nhà Trần rồi ông Lê Lợi đánh giặc Minh cũng có thể làm được những bộ phim rất hoành tráng. Nhưng cần điều kiện rất quan trọng là hệ thống phim trường, tạo điều kiện để cho phát triển điện ảnh.  Mình rất mong xây dựng được những cái đấy, thứ nhất rất nhiều đoàn làm phim sẽ kêu gọi vào thì kinh phí làm phim lịch sử sẽ kéo xuống. Ở đấy họ còn khai thác doanh thu từ du lịch, thu hút được rất nhiều khách du lịch. ở Việt Nam ta hiện nay Nhà nước có đầu tư trường quay Cổ Loa thì diện tích rất nhỏ. Họ chỉ có trường quay nội không có trưởng quay ngoại cảnh. Đấy là một yếu tố rất quan trọng để xây dựng những lịch sử sau này”.

Tiếp tục bàn về những giải pháp phát triển phim lịch sử, khi phim "Đào, phở và piano” trở nên “hot” thì khán giả lại khó tiếp cận vì không có cơ chế để phim phát hành trên toàn quốc, không thể mua bán như phim tư nhân vẫn làm. Nếu như không có hai đơn vị tư nhân tự nguyện phát hành phim, nộp toàn bộ doanh thu phòng vé cho nhà nước..thì có lẽ “Đào, phở và piano” không thể phủ sóng tại nhiều cụm rạp. Nhận định vướng mắc này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng cho biết, muốn phát hành phổ biến bộ phim đến các cụm rạp trên toàn quốc cần có quy định về tỷ lệ % doanh thu cho các đơn vị phát hành. Từ đó, mới khuyến khích các đơn vị phát hành quảng bá và có nhiều suất chiếu về phim lịch sử.

Không chỉ là ý kiến của các chuyên gia điện ảnh, nhiều người trẻ yêu lịch sử nước nhà cũng nhận thấy các vướng mắc trong việc phát triển dòng phim lịch sử hiện nay.

Bạn Thuỳ Trang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Em mong rằng những bộ phim lịch sử được đầu tư hơn để việc giáo dục lịch sử được tốt hơn và theo em nghĩ việc "Đào, phở và piano" rất viral là do giới trẻ bắt đầu nhận thức rằng, họ đang bị thiếu những sản phẩm văn hóa liên quan lịch sử. Đấy cũng là điều  thôi thúc họ ra rạp để xem và tìm hiểu những bộ phim lịch sử.  Thực ra em nghĩ rất nhiều bộ phim hay nhưng việc truyền thông còn rất hạn chế”.

Bạn Nguyệt Hương bày tỏ: “Một trong những thứ mình thấy khó khăn khi tiếp cận với những bộ phim lịch sử đề tài Việt Nam thì chính là một bộ phim đang dàn trải rất nhiều vai diễn, nhiều thân phận, số phận, đôi khi  bối cảnh lịch sử quá lớn thì người trẻ chúng mình chưa thể tiếp thu được. Mình biết rằng nền điện ảnh Việt Nam từng có những bộ phim về những nhân vật điển hình, những số phận điển hình. Đây cũng là một xu hướng làm phim quốc tế và mình rất mong câu chuyện "Đào phở và piano” sẽ mở ra một hướng mới cho điện ảnh Việt Nam từ công tác tuyên truyền phim cũng như công tác về nội dung và kịch bản”.

Sức nóng của “Đào, phở và piano” còn cho thấy các bạn trẻ không hề quay lưng với dòng phim lịch sử, ngược lại họ đang rất “khát” những bộ phim có kịch bản tốt, dễ dàng tiếp cận và đẩy mạnh xúc cảm, khơi dậy tinh thần yêu nước và lịch sử dân tộc. Từ câu chuyện thành công của “Đào, phở và piano”- một tín hiệu vui cho dòng phim lịch sử nước nhà nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi quyết liệt từ cơ quan chủ quản – Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho đến tư duy của các nhà làm phim để tạo nên đột phá cho phim Việt thời gian tới.

Bài liên quan
'Đào, phở và piano' sẽ được chiếu trên truyền hình
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết "Đào, phở và piano" sẽ được chiếu rộng rãi trên truyền hình vào dịp 10/10.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất