Phó Chủ tịch nước họp Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam

Việt Cường/VOV1 | 26/11/2021, 12:35

Sáng nay (26/11), tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân họp Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ hơn 98.000 lượt trẻ em với tổng kinh phí hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, đã tổ chức khám phân loại các bệnh tim bẩm sinh, dị tật vận động, dị tật mắt cho 1.200 trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng núi cao. Kinh phí hỗ trợ gần 6,9 tỷ đồng, với hơn 20.000 trẻ em hưởng lợi. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quỹ đã hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng cho hơn 14.000 trẻ em. Đối tượng nhận hỗ trợ là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em là con của công nhân, nông dân mất việc làm và trẻ em sơ sinh có mẹ bị nhiễm COVID-19. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ Quỹ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh còn chủ động vận động quà và nhu yếu phẩm từ nguồn xã hội hóa của tỉnh và hội đồng hương để hỗ trợ thêm cho nhóm trẻ em này.

“Đặc biệt của năm nay là với sự chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì Quỹ đã tập trung ưu tiên hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính những hỗ trợ ban đầu của Quỹ bảo trợ trẻ em từ ngày 28/4 sau đợt bùng phát lần thứ tư đại dịch Covid cũng đã góp phần cùng với các đơn vị của Bộ và các ngành hình thành chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng của đại dịch đó là Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng”, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận những đổi mới, sáng tạo trong công tác huy động nguồn lực của của Quỹ trong năm vừa qua, đồng thời kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo trợ phát huy hơn nữa vai trò của mình để huy động nguồn lực tốt nhất hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ quản của Quỹ cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của Quỹ cũng như việc bố trí nhân sự cho phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả trong công tác hỗ trợ trẻ em.

Về hoạt động của Quỹ, Phó Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, quỹ cần có quy chế hoạt động chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đưa ra tầm nhìn dài hạn về sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, nhấn mạnh nguồn nhân lực được xác định là một trong ba đột phá và trẻ em là nguồn nhân lực tương lai. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và trẻ em là một trong những đối tượng bị tác động. Vì vậy, Hội đồng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác bảo trợ trẻ em.

“Lần này đưa ra một chương trình tổng thể trong cả nhiệm kỳ, trong đó có kế hoạch vận động, tài trợ và trách nhiệm của các ủy viên. Mong các ủy viên có nghiên cứu, có góp ý để chúng ta có một khung chương trình toàn khóa bài bản ngay từ đầu giờ. Tôi cũng rất tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm cũng như tâm huyết của tất cả chúng ta, trong nhiệm kỳ mới này sẽ tiếp tục có những đổi mới về nội dung, về phương pháp hoạt động để làm sao quỹ bảo trợ trẻ em cũng như Hội đồng bảo trợ trẻ em sẽ phát huy nhiều hơn nữa vai trò đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, trong đó có thế hệ trẻ tương lai của nước nhà”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị.

Nhân dịp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã công bố quyết định thành lập Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân là Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ./.

Bài liên quan
Việt Nam và UNICEF thúc đẩy hợp tác trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em
Nhân dịp tham dự Khóa họp 68 Uỷ ban Địa vị phụ nữ của Hội đồng Kinh tế, xã hội Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ngày 12/3 đã tiếp bà Catherine Mary Russell, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất