Nuôi con “ăn chìm, ăn nổi”, nữ đoàn viên khởi nghiệp thành công

An Kiên-Vân Anh/VOV-Tây Bắc | 23/12/2021, 08:00

Khoản thu hàng năm từ xuất bán ốc và ếch của nữ đoàn viên dân tộc Tày đạt hơn 100 trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Mạnh dạn đi đầu bằng mô hình nuôi ốc, ếch, nữ đoàn viên dân tộc Tày ở xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã gặt hái được nhiều thành công, mở ra hướng khởi nghiệp mới cho thanh niên địa phương.

Tận dụng diện tích mặt nước ao rộng, song song với nuôi cá thương phẩm, năm 2019 chị Vi Thị Đông, Bí thư chi đoàn thôn Vinh 2, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mạnh dạn đầu tư quây lưới làm lồng nuôi ếch thương phẩm.

Vừa nuôi vừa học hỏi, chị Đông dần tích lũy kinh nghiệm, làm chủ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là cách phòng và xử lý khi ếch bị bệnh, giúp tăng năng suất, chất lượng đàn.

“Nuôi ếch tôi thấy hiệu quả hơn nuôi cá, ếch bị bệnh cũng dễ phát hiện hơn. Ếch thường ăn nổi nên chủ yếu mắc bệnh về tiêu hóa. Vào ngày mưa, do nước mưa hay có acid nên khi mình cho ăn mà không để ý ếch rất dễ bị bệnh”, chị Đông chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, sang năm 2020 khi nhìn thấy cơ hội thị trường, chị Đông tiếp tục tăng gia bằng nuôi ốc nhồi. Kỹ thuật chăm sóc ốc nhồi không quá phức tạp, nguồn thức ăn của ốc lại rất đa dạng và dễ kiếm trong tự nhiên như rau củ quả, cỏ dại, bèo tấm nên chị Đông vừa nuôi đã thắng.

“Con ốc sống chìm nên không mất chi phí để che bóng mát, ao nuôi chỉ cần thả thêm bèo tây cho ốc bám bên dưới rễ bèo để phát triển, đổi lại giá thành ốc cao, đến khi ốc được xuất không phải lo đầu ra vì khách tự đến nhà thu mua”, chị Đông cho biết.

Nuôi theo hình thức gối đàn, một lứa chị Đông thả từ 7.000 – 10.000 ếch giống và trên 30.000 con ốc nhồi, sau 3 – 3,5 tháng là có thể xuất bán. Do vốn đầu tư ban đầu không lớn, lại quay vòng nhanh nên thời gian ngắn đã có thể thu hồi vốn.

Riêng khoản thu hàng năm từ xuất bán ốc và ếch của gia đình chị vào hơn 100 trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bản thân là Bí thư Đoàn, chị Đông cũng chủ động chia sẻ kinh nghiệm cho các đoàn viên thanh niên khác ở địa phương cùng khởi nghiệp.

Nói về chị Đông, anh Lương Viết Ngân, Bí thư Đoàn xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cho biết, chị Đông là thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu đi đầu trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Trong việc giúp đỡ đoàn viên thoát nghèo, chị Đông cũng đã phát huy tốt vai trò dân vận và tuyên truyền của mình giúp đoàn viên hướng nghiệp, khởi nghiệp.

Mạnh  dạn đổi mới, không ngừng nỗ lực để rồi gặt hái được thành công, nữ thủ lĩnh Đoàn Vi Thị Đông xứng đáng là tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số sáng tạo, khởi nghiệp tiêu biểu ở Lào Cai./.

Bài liên quan
Mô hình kinh tế đêm nào phù hợp với TP.HCM?
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các sản phẩm du lịch về đêm, khách du lịch nội địa đã đóng góp 15% vào GDP ngành du lịch TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất