Mô hình kinh tế đêm nào phù hợp với TP.HCM?

29/07/2023, 10:26

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các sản phẩm du lịch về đêm, khách du lịch nội địa đã đóng góp 15% vào GDP ngành du lịch TP.HCM.

Đây chính là cơ sở quan trọng để TP.HCM xác định sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là 1 trong 3 sản phẩm du lịch thu hút du khách quan tâm nhất trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.

Đối thoại về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Điều phối viên chương trình Phát triển Đô thị bền vững Đại học Việt Đức.

PV: TP.HCM đang muốn phát triển kinh tế đêm để có thêm dư địa cho tăng trưởng, tuy vậy các chủ trương lẫn triển khai thực tế vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chúng ta cần hiểu như thế nào cho đúng về thuật ngữ kinh tế đêm?

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu: Kinh tế đêm về cơ bản là các hoạt động hướng đến nhóm khách du lịch và khách kinh doanh có khả năng chi trả cao lẫn nhu cầu cao về dịch vụ. Thời gian sử dụng tập trung vào buổi tối, ban đêm, ngoài giờ hành chính.

Góc độ cá nhân, tôi cho rằng cần mở rộng hơn và tập trung vào 3 nhóm vấn đề đang cần giải quyết. Thứ nhất là hạ tầng không gian công cộng còn tương đối thiếu vì kinh tế đêm là nơi có thể chia sẻ không gian công cộng miễn phí hoặc chi phí không đáng kể để làm dịch vụ.

Thứ hai là khí hậu nước ta là nhiệt đới nên các hoạt động kinh doanh dịch vụ ban ngày khiến khách khá ngại nên hầu hết thích mua sắm buổi tối.

Thứ ba là kinh tế đêm có thể khai thác nhu cầu lao động, trên thực tế có nhiều nhóm lao động cần làm thêm mà kỹ năng của họ không phát huy được trong khu vực chính thức thì kinh tế đêm giúp giải phóng nguồn lực, tạo thêm thu nhập tốt hơn.

Việc đi tìm giải pháp giải phóng nguồn lực, tiềm năng chính là giải quyết nhu cầu lao động, sự thiếu hụt hạ tầng cũng như đặc điểm khí hậu Việt Nam. Những đặc điểm như vậy khiến cho kinh tế đêm của Việt Nam có thể không giống với kinh tế đêm của Paris, London hay Tokyo.

PV: Để phát huy tốt hơn các tiềm năng về kinh tế đêm của TP.HCM và các địa phương khác thì các nhà quản lý cần lưu ý, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn này như thế nào?

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu: Nếu xét riêng các loại hình giải trí tương đối khuya như vũ trường hay sòng bài hoặc 1 số hoạt động khác như bar club… thì đây là những vướng mắc, xung đột tại các đô thị về mặt an ninh trật tự, về cư dân địa phương hay không gian.

Ở phố Bùi Viện, đa số người dân nơi đây đã chọn kinh tế đêm là nguồn sống chính nên người dân chấp nhận sự ồn ào và 1 chút rủi ro về an ninh trật tự để đổi lại thu nhập. Tuy nhiên, nếu chúng ta mở rộng ra khu vực khác thì có thể người dân lại không ủng hộ.

Tôi cho rằng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phú Quốc, Đồ Sơn… đã làm tương đối tốt để giải quyết các xung đột trên. Còn với TP.HCM, những khu vực nào có thể giải quyết được thì nên mở ra và khai thác nguồn lực này.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ rất khó bởi sự không đồng thuận của người dân địa phương lẫn năng lực quản lý. Vì nếu chưa được đầu tư và tổ chức được các đơn vị quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường mà mở ra các không gian như vậy sẽ không đạt hiệu quả.

PV: Xin cám ơn ông!

Ở 1 góc nhìn khác, PGS. TS. Vương Đức Hoàng Quân – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng thì hiện nay tại các khu vực đông đúc về đêm tại TP.HCM và nhiều địa phương khác mới chỉ xuất hiện các hình thức kinh doanh do các tiểu thương mở ra chứ chưa thể là một hoạt động kinh tế hoàn chỉnh.

Do đó, việc sử dụng thuật ngữ kinh tế đêm ở thời điểm này cho TP.HCM là chưa thực sự chính xác. Thay vào đó, từ các mô hình tương tự trên thế giới, có thể gọi là nền kinh tế 24h thì phù hợp hơn.

"Nếu có hướng đến thì chúng ta nên hướng đến việc chuyển đổi thành nền kinh tế 24h chứ không phải là kinh tế, lại càng không phải là kinh tế đêm. Theo đó có 3 nguyên tắc là nền kinh tế toàn diện, xuyên suốt và phải thống nhất đảm bảo tính kế hoạch".

Việc TP.HCM dành nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế đêm là phù hợp trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay. Tuy vậy, việc định hướng và lựa chọn phương thức triển khai phù hợp sẽ đóng vai trò quyết định cho kinh tế đêm nói riêng, du lịch TP.HCM nói chung.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân công ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Mới nhất