Công nghệ "nuôi-gác" ốc và định hướng phát triển tài nguyên bản địa

CTV Minh Trường/VOV-ĐBSCL | 07/04/2024, 09:30

Đồng Tháp được xem là cái nôi phát triển của một loại đặc sản dân dã của miền Tây, đó là sản phẩm ốc lác gác bếp. Tại huyện biên giới Tân Hồng, ốc lác gác bếp đã được thanh niên trẻ Võ Hoài Phong phát triển và kỳ vọng sẽ là một mô hình kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới.

Qua đó cho thấy sự sáng tạo để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương. Đồng thời khuyến khích đoàn viên, thanh niên xây dựng tinh thần khởi nghiệp.

Là thanh niên trẻ của thế hệ GenZ, anh Võ Hoài Phong 22 tuổi, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp đã mày mò nghiên cứu và gắn bó với con ốc lác từ khi còn rất nhỏ. Nhận thấy đây là loại vật nuôi tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao vì có hương vị đặc trưng, vừa dân dã vừa mang tính đặc sản, nên anh quyết định áp dụng mô hình gác bếp cho ốc lác.

Trải qua gần 3 năm, dần dần mô hình trở thành hướng đi chính mà anh đã khởi nghiệp và phát triển đến ngày nay. Được biết, ngoài ốc lác, anh Phong cũng dần hướng đến các loại ốc đặc sản khác như ốc đắng, ốc bưu,…cũng sản xuất theo hình thức gác bếp.

“Ban đầu tôi cũng nghiên cứu quy trình dữ lắm khoảng 2-3 năm. Xong tôi thử nghiệm nhiều phương pháp vùi dưới đất, để trên rơm, trên giàn treo. Sau mới thành công với việc treo giàn bếp. Nó mang lại chất lượng cao hơn. Mình chọn ốc có đặc tính ngủ vùi để dễ có thành phẩm hơn, ít hao hụt hơn. Và phải gác đủ 3 tháng thì mới đủ chất lượng, đưa đến người tiêu dùng", anh Phong nói.

Theo anh Phong, ốc được sản xuất là giống ốc lác trong tự nhiên, được anh thu mua từ huyện Tân Hồng, các tỉnh khác và nước ngoài như Lào, Campuchia.

Ốc được tuyển lựa kỹ lưỡng để đảm bảo độ đồng nhất về kích cỡ và chất lượng. Trong quá trình nhập liệu, ốc lác sẽ phải trải qua gần 4 tháng thực hiện quy trình sản xuất trước khi xuất bán. Quy trình này bao gồm các công đoạn: sấy ru ngủ, gác khói và thành phẩm. Hiện tại, các công đoạn được thực hiện thủ công và máy móc thô sơ.

Để tăng năng xuất cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, trong thời gian tới anh Phong sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình khép kín sản xuất, gắn với đầu tư trang thiết bị máy móc. Hiện tại mỗi tháng công ty TNHH MTV Hương Đồng Nội do anh làm chủ tiêu thụ khoảng 3 tấn ốc thành phẩm.  

Anh Nguyễn Văn Đây, Phó Bí thư huyện Đoàn Tân Hồng cho biết: "Đây là mô hình mới, có tính sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, nhất là đối với tài nguyên bản địa. Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm ở địa phương. Đối với bạn Phong còn trẻ những đã có những cách làm sáng tạo cũng như quảng bá sản phẩm. Phong có cách làm bài bản từ quy trình sản xuất cho đến thị trường. Chúng tôi cũng sẽ cùng với các ngành tạo điều kiện hỗ trợ quảng bá sản phẩm và đưa vào đánh giá sản phẩm Ocop trong 2024 này".

Điểm sáng của sản phẩm này là đã hoàn chỉnh được công nghệ nuôi ốc lác gác bếp đảm bảo chất lượng và có thời gian ngủ vùi trên 1 năm trong điều kiện nhiệt độ bình thường. Dù con ốc được treo lên giàn suốt nhiều tháng nhưng vẫn mập, thịt ốc trắng sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và giàu dinh dưỡng như: nướng, hấp, luộc...

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đơn vị cũng đã ứng dụng công nghệ vùi trên ốc đắng và ốc bưu vàng cũng đã thành công. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho người tiêu dùng trong việc thưởng thức các món đặc sản một cách tiện dụng mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân vùng biên khi phát triển nghề nuôi ốc trong thời gian tới. 

Anh Võ Hoài Phong cho biết thêm: "Hướng tới tôi có nhiều dự định. Trong đó sẽ nâng quy mô sản xuất lên; cùng với đó tổ chức nuôi luôn để có nguồn cung ứng chủ động cho việc sản xuất ốc gác bếp. Cùng với đó, tạo thương hiệu và bao bì nhận diện bắt mắt hơn". 

Là doanh nghiệp siêu nhỏ, khởi nghiệp tại Đồng Tháp, thế nhưng điểm ghi nhận ở thanh niên trẻ khởi nghiệp Võ Hoài Phong là đã biết nghiên cứu quy trình sản xuất chuẩn, nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng như làm chủ công nghệ sản xuất. Đây được xem là hướng đi tìm năng cho đặc sản trứ danh tại vùng đầu nguồn Sông Cửu Long chảy vào Đồng Tháp.

Ngoài ra, anh cũng tận dụng nền tảng số để quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm đặc sản bản địa đến tay người tiêu dùng xa hơn để ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến món ăn dân dã này.

Bài liên quan
Ra mắt 2 cuốn sách truyền cảm hứng cho người trẻ khởi nghiệp
2 cuốn sách có ý nghĩa truyền cảm hứng và chia sẻ nhiều bài học, trải nghiệm với những bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp kinh doanh: “Nhà cố vấn khởi nghiệp” của các tác giả thuộc Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam và “Vượt qua nghịch cảnh” của doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn vừa có buổi ra mắt tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất