Những thách thức lớn chờ đợi tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo FT | 09/12/2021, 06:12

Quốc hội Đức ngày 8/12 đã bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng thứ 9 của nước này sau Thế chiến thứ 2, mở ra một kỷ nguyên mới cho quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn nhất của EU sau 16 năm bà Angela Merkel cầm quyền.

Từng có ý kiến cho rằng, trong cuộc chạy đua kế nhiệm bà Merkel, ông Olaf Scholz đã giành chiến thắng nhờ vận động tranh cử tốt hơn các đối thủ. Nhưng trên thực tế, thành viên kỳ cựu của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) này đã thể hiện ông là người phù hợp, có thể “đi vừa chiếc giày” của bà Merkel trong suốt thời gian dài. Ít nhất là kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ liên minh của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) vào năm 2018.

“Ông ấy được bầu vì rất giống bà Angela Merkel – và đó là tính toán của ông ấy” Lars Haider, tổng biên tập của Hamburger Abendblatt và người viết tiểu sử của Scholz, nói với Euronews. Điều này không có nghĩa là ông sẽ điều hành nước Đức với những chính sách tương tự như bà Merkel. Chuyên gia Lars Haider nhận xét rằng, bà Merkel là một chính trị gia mềm dẻo, phản ứng dựa theo tình hình chính trị và tâm trạng của công chúng. Nhưng ông Scholz quyết đoán hơn nhiều.

“Ông ấy có những mục tiêu rõ ràng và sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí để đạt được mục tiêu đó. Nếu không hiệu quả, ông ấy sẽ nói: “Được rồi, lần sau tôi sẽ làm tốt hơn”, nhà phân tích Lars Haider nhận xét.

Đối với Lars Haider, điểm yếu duy nhất của Olaf Scholz là “ông không phải là một nhà hùng biện vĩ đại”, hay nói cách khác, tân thủ tướng là người “biết tất cả nhưng kín tiếng”. “Thật đáng tiếc vì ông ấy là một người luôn kìm nén cảm xúc”, Haider nhận xét.

Olaf Scholz giành được tỷ lệ ủng hộ cao với chiến thắng bất ngờ của Đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử năm 2021. Sau đó ông nhanh chóng đạt được thỏa thuận thành lập liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) có lập trường ủng hộ của doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên Đức có một chính phủ liên minh với sự tham gia của 3 đảng.

Chính phủ mới của ông Scholz nhậm chức với hy vọng đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa đất nước, nhưng trước mắt phải đối phó với một loạt vấn đề cấp bách, chẳng hạn như dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế... Cách họ đương đầu với những thách thức này sẽ hình thành nên những đánh giá lịch sử đối với liên minh cầm quyền.

Ứng phó dịch bệnh Covid-19

Thủ tướng Olaf Scholz lên nắm quyền trong bối cảnh Đức đang hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 4, nghiêm trọng hơn so với các đợt bùng phát trước đó. Tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt và các bệnh viện đang đứng trước nguy cơ quá tải. Trước thực tế là tỷ lệ tiêm chủng của Đức thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Đan Mạch và Bỉ, tân thủ tướng đã ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc cho tất cả mọi người. Tuy vậy, cam kết gia tăng tốc tiêm chủng không phải điều dễ thực hiện. Bởi ngay cả khi người dân sẵn sàng đi tiêm phòng, họ cũng phải đối mặt với những rào cản như phải chờ đợi quá lâu tại các trung tâm tiêm chủng hay thiếu vaccine ngừa Covid-19.

Nền kinh tế suy giảm

Nước Đức đã đối mặt với dự báo không mấy khả quan về kinh tế khi đảng SPD chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2021. Việc thiếu nguyên liệu thô, linh kiện và các sản phẩm như microchip đã làm nảy sinh một loạt vấn đề về sản xuất và chậm trễ trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là trong nghành công nghiệp ô tô.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã chạm mốc 6% vào tháng 11 vừa qua – mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Các chuyên gia tin rằng, Đức có thể sẽ mất thời gian dài hơn so với các nước khác trong khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước đại dịch.

Nhiều cơ sở kinh doanh cũng lo ngại rằng, những hạn chế cứng rắn mới đối với những người chưa được tiêm phòng, được áp dụng vào tháng 11 có thể làm giảm mức độ tiêu dùng trong giai đoạn từ nay tới Giáng sinh.

Nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về khí hậu

Không lĩnh vực nào thể hiện rõ ràng tham vọng của chính phủ mới như chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz muốn gia tăng việc sản xuất năng lượng tái tạo và loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 – sớm hơn 8 năm so với kế hoạch ban đầu, đồng thời loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi làm thế nào quốc gia này có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng khi các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than của họ bị đóng cửa. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Đức cần phải lắp đặt hàng nghìn tuabin gió mới và tấm pin mặt trời, mở rộng mạng lưới điện. Trong bối cảnh các cơ sở công nghiệp và người dân đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng với giá cả nhiên liệu tăng cao. Chính phủ mới sẽ phải hạ thấp kỳ vọng và tìm cách đạt được các mục tiêu xanh mà không gây tổn hại cho nền kinh tế vốn thiên về xuất khẩu.

Thách thức đối ngoại

Vài ngày trước khi chính phủ mới của Đức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo các đồng minh của Washington rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Ukraine. Đức, cùng với các nước khác ở NATO và EU, đã tiếp nhận cảnh báo này và cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nếu Nga thực hiện chiến dịch quân sự.

Nhưng đây có thể là một trong những phép thử lớn đầu tiên đối với sự gắn kết của liên minh 3 đảng tại Đức. Nhiều nhân vật trong SPD có xu hướng mềm mỏng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái lại, một số nhân vật trong đảng Xanh tỏ ra cứng rắn hơn.

Ngoài ra, có khả năng xuất hiện một cuộc tranh cãi về việc Đức cần phải làm gì với Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua tới Đức qua biển Baltic, khi mà đảng Xanh phản đối còn SPD ủng hộ dự án này. Giới phân tích cho rằng, những mâu thuẫn về biện pháp trừng phạt Nga cuối cùng có thể phủ bóng đen lên cái gọi là “thời kỳ trăng mật” của liên minh mới./.

Bài liên quan
Bà Merkel lên tiếng về xung đột Ukraine
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/6 thể hiện “tinh thần đoàn kết” với Ukraine, sau nhiều tháng im lặng khiến các chính sách của bà với Moskva bị chỉ trích.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất