Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư cho bảo tồn di tích lịch sử

Phương Cúc/VOV-Miền Trung | 25/12/2021, 10:00

Nếu như kinh tế là động lực để phát triển thì văn hóa được xem là nền tảng, là gốc rễ để sự phát triển đó đi đúng hướng, bền vững. Sau giai đoạn chú trọng phát triển kinh tế, Đà Nẵng đã và đang ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Sau chiến tranh, thành phố Đà Nẵng chỉ là một đô thị nhỏ, nghèo nàn. Bây giờ, sau gần 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997 – 2021), thành phố Đà Nẵng đã vươn lên đóng vai trò đô thị trọng điểm của cả khu vực miền Trung và cả nước. Điểm nhấn khi nhắc tới đô thị này chính là hàng loạt những công trình ấn tượng, đặc biệt là các cây cầu bắc qua sông Hàn thơ mộng.

Trong quá trình xây dựng, chỉnh trang đô thị, thành phố Đà Nẵng có lúc chưa đầu tư tương xứng cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử. Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã lắng nghe ý kiến góp ý của người dân để đưa ra các quyết định liên quan đến bảo tồn di tích. Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã hủy bỏ dự án bãi đỗ xe tại ngã tư đường Hoàng Diệu – Nguyễn Văn Linh rộng hơn 3000m2 tiếp giáp với Nghĩa Trủng Phước Ninh để làm công viên vườn dạo. Quyết định này được nhân dân và các nhà văn hóa đồng tình ủng hộ.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng từng có một thời trong quá trình chỉnh trang đô thị, một số di tích văn hóa, lịch sử chưa được coi trọng, thậm trí bị xâm phạm cả vùng đệm lẫn vùng lõi. Nhưng rất đáng mừng trong thời gian gần đây, lãnh đạo thành phố rất cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện của những người nghiên cứu văn hóa lịch sử để thay đổi suy nghĩ và việc làm được tốt hơn".

Từ năm 2015 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo và phục dựng 35 di tích lịch sử trên địa bàn. Nhiều di tích được khoanh vùng và bảo vệ. Thành phố hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp thành phố. Trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Đà Nẵng sẽ dành hơn 800 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 11 di tích và cụm di tích. Mới đây, Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, 4 năm trở lại đây, nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa được tăng lên nhiều, tạo bước đột phá trong bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử của thành phố: “Hàng kỳ 5 năm, chúng tôi đều có đề án bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa. Đó là một nền tảng để cho các cấp lãnh đạo, cơ quan chuyên môn cũng như các cơ sở địa phương thực hiện công tác này. Thành phố Đà Nẵng cũng đang xúc tiến đầu tư một công trình rất quan trọng, đó là mở rộng công viên 29/3 và nâng cấp đài tượng niệm của thành phố Đà Nẵng với quy mô hơn 10 héc ta. Đây là một công trình điểm nhấn nữa trong lĩnh vực văn hóa và di sản"./.

Bài liên quan
Dự báo tình hình dông lốc, mưa đá và nắng nóng gia tăng ở Bắc Bộ trong tháng 5
Tháng 5 là thời điểm giao mùa, các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có thể xuất hiện nhiều ở Bắc Bộ, đây cũng là thời điểm nắng nóng gia tăng ở khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất