Cô gái 9X khởi nghiệp thành công với mô hình món ăn, thức uống “tí hon” làm từ đất sét

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL | 11/09/2021, 10:34

Bằng niềm đam mê sáng tạo, sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm, Phạm Thùy Thanh Thảo đã khởi nghiệp thành công với mô hình “tí hon” làm từ đất sét.

Với sự tỉ mỉ và khéo tay, các loại trái cây, món ăn, thức uống… làm từ đất sét của chị Phạm Thùy Thanh Thảo, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đang gây “sốt” với nhiều người, nhất là những ai yêu thích mô hình trang trí “thu nhỏ”. Trong những ngày Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, Thanh Thảo vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, mang lại thu nhập trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Phạm Thùy Thanh Thảo sinh năm 1994, tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo học chuyên ngành sư phạm mầm non, nhưng Thanh Thảo lại không mấy có duyên với nghề “gõ đầu trẻ”. Thế là, năm 2017, chị quyết định xuôi về Cần Thơ, theo đuổi đam mê làm đồ chơi tí hon của mình.

Cầm trên tay những mô hình nhỏ xinh, Thanh Thảo tâm sự, khi tìm hiểu bộ môn này ở trên mạng, chị bắt đầu đam mê nó, muốn nó trở thành sản phẩm có thể cầm trên tay.Tác phẩm đầu tiên Thảo làm mấy tiếng đồng hồ như là trái dâu, trái cam, trái bưởi, trái chuối… Sau khi thành thạo, Thảo làm nhanh hơn, chỉ trong vài phút.

Để làm ra sản phẩm thu nhỏ với kích thước bằng 1/12 kích thước của đồ vật thật từ đất sét khô, Thanh Thảo phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như nhào đất, trộn màu, tạo hình chi tiết, vẽ màu, phủ bóng hay phủ bảo vệ. Trong đó, khâu khó nhất là lên màu sản phẩm sao cho giống y phiên bản thật.

Hàng handmade nên tất cả dựa vào đôi tay khéo léo, tùy vào độ khó của sản phẩm mà thời gian hoàn thiện cũng khác nhau, dao động từ một cho đến vài ngày, nhiều khi cả tuần lễ.

Là người bạn nhiều năm, cũng là người cộng sự với Thanh Thảo trong từng sản phẩm, anh Lê Lý Bảo (SN 1997) cho biết, 4 năm qua, Thảo đã lao động rất hăng say, từ những mô hình trái cây đơn giản lúc đầu, Thảo đã tạo nên những mô hình đòi hỏi sự công phu, phức tạp hơn như xe bán rau củ quả, sạp bán trái cây, xe bán bánh mì… Chưa bao giờ, anh Bảo thấy Thảo ngừng tìm tòi, học hỏi.

"Công việc này mang tới cho Thảo niềm vui về tinh thần. Tôi thấy những khách hàng nhận được sản phẩm của Thảo cảm thấy vui thì tôi với Thảo cũng có thêm động lực để bước tiếp. Là người bạn đồng hành 4 năm rồi, tôi sẽ tiếp tục với Thảo trên con đường phát triển nghề này, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mang hơi hướng văn hóa Việt Nam. Cả hai mong muốn đem sản phẩm văn hóa Việt Nam này đến với bạn bè thế giới" - anh Lê Lý Bảo cho biết.

Phạm Thùy Thanh Thảo đang sở hữu thương hiệu chuyên bán đồ chơi mini, đồ chơi handmade bằng đất sét… có tên Minitoy. Trang Fanpage của shop có hàng ngàn người theo dõi, không chỉ ở Cần Thơ mà khắp mọi miền đất nước. Uy tín về những mô hình đất sét “tí hon” giống thật đến 99%, chất lượng, càng được khẳng định khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc gửi hàng cho khách, nhưng ai cũng chấp nhận chờ đợi, đơn hàng vẫn được đặt liên tục.

Là một trong những khách hàng thường mua mô hình trang trí từ shop online Minitoy, chị Hoàng Thị Khả Tú, sống tại đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, chị thường mua những bộ món ăn hay nấu ăn đặc trưng của Việt Nam để về trang trí cho ngôi nhà của mình. Sản phẩm nhỏ nhưng nhìn y như thật, rất sống động.

Qua 4 năm khởi nghiệp, từ những ngày đầu, chị Thanh Thảo chỉ bán được vài trăm ngàn, giờ đây, mỗi tháng chị kiếm được mười mấy triệu đồng. Nếu tham gia Phiên chợ búp mê (marketdoll) tổ chức ở TP.HCM 2 tháng/ lần, Thanh Thảo có thể bán được nhiều sản phẩm hơn, thu về vài chục triệu đồng. Đặc biệt, từ những đối tượng ban đầu là khách ổn về kinh tế, đam mê sưu tập mô hình thu nhỏ, giờ chị cũng hướng đến nhóm khách hàng trẻ, có thể mua những sản phẩm với giá vài ngàn hay vài chục ngàn. Sự linh hoạt trong kinh doanh đã giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều người hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Thanh Thảo chia sẻ, những ngày Cần Thơ thực hiện giãn cách, ở nhà phòng chống dịch Covid-19 là lúc chị định hướng việc kinh doanh và suy nghĩ ra những sản phẩm mới bằng đất sét, để người yêu mến có thể thấy được sự sáng tạo không ngừng nghỉ từ bản thân chị.

"Bên cạnh những món đồ tí hon, tôi cũng nghiên cứu những đồ cho búp bê, ví dụ như giấy khen, bằng khen, giấy dò số, đồ bán vé số… Tôi làm những đồ vật mini này thì hướng tới những đối tượng chơi búp bê, những đối tượng sưu tầm nó. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục tìm tòi, theo đuổi đam mê của mình. Hy vọng mọi người sẽ tiếp tục theo dõi những sản phẩm của tôi, sẽ thấy thú vị với những sản phẩm tí hon mà tôi làm ra" - Thanh Thảo cho biết.

Bằng niềm đam mê sáng tạo, sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm, Phạm Thùy Thanh Thảo đã khởi nghiệp thành công với mô hình “tí hon” làm từ đất sét. Sắp tới, khi dịch bệnh qua đi, chị Thảo dự định mở một lớp chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dạy lại cho những ai yêu mến, muốn theo đuổi bộ môn này./.

Bài liên quan
Công nghệ "nuôi-gác" ốc và định hướng phát triển tài nguyên bản địa
Đồng Tháp được xem là cái nôi phát triển của một loại đặc sản dân dã của miền Tây, đó là sản phẩm ốc lác gác bếp. Tại huyện biên giới Tân Hồng, ốc lác gác bếp đã được thanh niên trẻ Võ Hoài Phong phát triển và kỳ vọng sẽ là một mô hình kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất