Chuyển đổi số: Lối đi tương lai cho các nhà xuất bản

CTV Quế Phương/VOV.VN | 25/04/2021, 07:30

Trong thời đại 4.0, khi các ngành đều đang hướng đến mô hình số hoá từ quản lý dữ liệu cho tới hoạt động thương mại, ngành xuất bản cũng không ngoại lệ. Liệu đây có là con đường khả thi cho các nhà xuất bản trong tương lai?

Những bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số

Xuất bản điện tử không chỉ bao gồm việc xuất bản ra các ấn phẩm điện tử, mà còn là hoạt động quản lý và số hoá trong quá trình xuất bản. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, có ba giai đoạn trong chuyển đổi số: một, số hoá một số hoạt động mang tính kỹ thuật như tài chính kế toán, bán hàng,…; Hai, ứng dụng các công nghệ như AR (Augmented Reality – thực tế ảo tăng cường), trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ IOT (Internet of  Things), bigdata,… trong việc tạo ra sản phẩm mới và ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý; Ba, chuyển đổi hoàn toàn thành một nhà xuất bản số.

Các nhà xuất bản Việt Nam hiện nay đang bước tới giai đoạn hai khi một số nơi đã bắt đầu sử dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới. Điển hình như ứng dụng sách nói Voiz FM đã ứng dụng công nghệ AI tạo ra giọng đọc cho các sách thuộc thể loại non – fiction (phi hư cấu), thay thế cho các diễn viên đọc sách nói.

Trên trang Sachweb của NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, độc giả có thể trải nghiệm được cảm giác lật sách như đang đọc một cuốn sách vật lý khi dùng máy tính. Có thể thấy rằng, các nhà xuất bản đang có những sự đầu tư mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số của mình.

Còn khó khăn khi tiếp cận tới độc giả

Khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, các nhà xuất bản gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề bản quyền. Trong buổi toạ đàm “Văn hoá đọc trong chuyển đổi số” tổ chức ngày 18/4 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sachweb – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Chính việc chia sẻ miễn phí và làm gỉa sách điện tử khiến cho thị trường sách điện tử của những đơn vị làm sách điện tử có bản quyền bị thu hẹp”.

Không chỉ Ebook, Audiobook (sách nói)  cũng phải chịu chung số phận bị làm giả hàng loạt. Cũng trong buổi toạ đàm, Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc của WeWe, người sáng lập ứng dụng sách nói Voiz FM, chia sẻ: “Công ty chúng tôi rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ bản quyền những sách công ty đã mua. Từ tháng 7/2020, công ty đã gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm bản quyền ở các nền tảng lớn như Spotify , Youtube, Apple”.

Bên cạnh vấn đề bản quyền, việc cân bằng giữa công nghệ và nguồn vốn cũng là một bài toán nan giải. Trong khi nhu cầu đang gia tăng, chất lượng đường truyền lại chưa ổn định cho một lượng truy cập lớn. Việc tạo ra các yếu tố tương tác giữa người đọc và sách Ebook cũng mới chỉ dừng lại ở trên máy tính mà chưa thể trải nghiệm trên các thiết bị khác. Bà Phương cho biết thêm: “Chúng tôi đã cố gắng đầu tư để tương thích nhưng chưa thể đẩu tư hết được, bởi đây lại là câu chuyện về kinh phí”.

Tương lai đầy hứa hẹn cho các nhà xuất bản

Tuy có nhiều khó khăn, nhưng xuất bản điện tử vẫn là một “miền đất hứa” dành cho các nhà xuất bản. Giữa bức tranh u ám của Covid – 19, các nhà xuất bản vẫn có thể nhìn thấy được những cơ hội để phát triển một cách mạnh mẽ. Trong thời điểm dịch Covid – 19, khi các học sinh, sinh viên chuyển sang mô hình học trực tuyến và tránh tiếp xúc. Các trường học, thư viện công cộng cũng phải đầu tư để đẩy mạnh việc chuyển đổi số. Đây thực sự là cơ hội của các công ty xuất bản điện tử, khi học sinh, sinh viên, thậm chí là thầy cô không thể tiếp cận tới các ấn bản in thông thường do giãn cách xã hội. các công ty sách phải đẩy mạnh xuất bản ấn phẩm điện tử.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong xuất bản điện tử. Cụ thể, chúng ta đang có 145 triệu thuê bao điện thoại, trong số đó có hơn 70 triệu thuê bao đang được ứng dụng để sử dụng các dữ liệu trên mạng. Đây là tiền đề để ngành xuất bản điện tử có thể tiếp cận được với công chúng rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, người Việt hiện nay đang dần chuyển sang sử dụng sách điện tử nhiều hơn và có xu hướng chấp nhận chi tiền cho ấn bản điện tử để sử dụng. Không chỉ dừng lại ở Ebook, các cuốn Audiobook cũng là một lựa chọn của những người bận rộn. Ngoài giải trí, sách điện tử trong giáo dục hiện nay cũng được quan tâm khi sách giáo khoa điện tử từ lớp 1 tới lớp 12 đã được đăng tải trên trang Hành trang số của NXB Giáo dục.

Chuyển đổi số không chỉ là một cơ hội mà còn là một nhiệm vụ cấp bách đối với sự phát triển của ngành xuất bản. Ông Nguyên cho rằng, nhiều nhà xuất bản vẫn còn rụt rè khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nhưng đây là một bước đi cần phải có để ngành xuất bản phát triển trong tương lai./.

Bài liên quan
Kindle ra mắt máy đọc sách màu với công nghệ ACeP vào năm 2025
Amazon được cho là đang chuẩn bị cách mạng hóa dòng sản phẩm máy đọc sách điện tử Kindle của mình với việc sử dụng công nghệ giấy điện tử màu tiên tiến ACeP.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất