Đó là nhà báo Nguyễn Lương Phán.
Tên sách đã gợi biết bao nhiêu chuyện: Chuyện nghề, chuyện người và chuyện bốn phương. Chuyện của một nhà báo từng là giảng viên trẻ ở trường Đại học Nông Lâm đầu những năm sáu mươi, rồi chuyển sang “định cư” làm báo trọn đời – hơn 50 năm, bắt đầu và cũng chỉ làm nghề phát thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) - một trong những cơ quan báo chí hàng đầu quốc gia, cho đến lúc hưu lại tiếp tục làm báo điện tử - một lĩnh vực mới trong nghề báo, không ngừng, không nghỉ khi đã ở cái tuổi sáu mươi, bảy mươi, tám mươi.
"Chuyện nghề, Chuyện người, Chuyện bốn phương" là cuốn sách dày dặn về nghề - phần lớn là những chuyện kể từ nghề - nghề báo nói, được viết theo phong cách kể chuyện. Vốn là dân phát thanh, tôi nghĩ, làm phát thanh mà kể chuyện thì thật đúng duyên, đúng cách. Mà phải có con mắt phát thanh (tôi nghĩ thế) vừa nghe, vừa hình dung, quan sát, ghi chép tỉ mỉ lắm, giàu vốn sống, vốn nghề lắm, mới có cái để kể được ngồn ngộn chuyện tác nghiệp, khắc họa nhanh chân dung những con người nổi tiếng và chuyện suy ngẫm từ bốn phương mà tác giả từng đến, từng qua.
Tôi vào nghề, rẽ lối sang nghề báo, đầu tiên cũng từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Được biết và được làm việc cùng nhà báo Nguyễn Lương Phán từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước; khi đó tôi mới tốt nghiệp đại học báo chí, được về làm phóng viên của Đài, còn ông đã là trưởng phòng phát thanh Khoa học - kỹ thuật. Sau này ông làm Chủ nhiệm Chương trình Thời sự, vào những năm đất nước hừng hực đổi mới, Đài ở vị thế đỉnh cao; làm Phó Trưởng Ban Chuyên đề; làm giám đốc đầu tiên của Cơ quan thường trú miền Trung của VOV (tôi lại là phóng viên nhiệm kì thứ hai ở đây, sau ông); làm Trưởng Ban phát thanh địa phương, Tổng biên tập Tạp chí Phát thanh… Sau nghỉ hưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, ông về làm Thường trực Hội đồng Biên tập báo VietnamNet.vn rồi Phó Tổng biên tập báo Dân trí - dantri.com.vn và vẫn hăng say đi viết như một phóng viên. Nói vậy, là tôi cũng có chút vốn liếng hiểu biết về ông và để thấy cả cuộc đời ông gắn với nghề báo phát thanh, là một cuộc đời làm báo thực thụ. Cũng bởi thế, trong cuốn sách của ông, những bài kể chuyện - chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương đều thấm đẫm chất phát thanh, con mắt phát thanh, con mắt của tưởng tượng, “nhìn bằng tai”, con mắt của người nghe để viết cho người khác nghe.
Có một điều đặc biệt. Tôi biết rất rõ, trong quá trình làm báo ở Đài, ông đã chỉ đạo và trực tiếp hoặc tham gia viết nhiều phóng sự điều tra nổi tiếng, phanh phui nhiều vụ viêc tiêu cực. Nhưng trong bản thảo tuyển tập này không thấy bài nào. Ông nói, không chọn những bài “chống tiêu cực trước đây” nữa, bởi ở tuổi ông bây giờ, ngại lục lại những chuyện cũ không vui trong bài báo, dù khi đó mình viết đúng, viết đầy tính chiến đấu của báo chí thời kì đầu đổi mới và nhất là muốn không làm tổn thương con cháu của những nhân vật trong các bài báo đó nữa”. Một cử chỉ hết sức nhân văn, cao thượng của một cây bút dạn dày kinh nghiệm trường báo, trường đời.
"Chuyện nghề" gồm hai mươi bốn câu chuyện làm báo phát thanh. Như chính lời tác giả, ông “trưởng thành nhờ phát thanh”. Tôi ấn tượng với những trang viết không làm lý luận nhưng các câu chuyện nghề của ông lại chạm trúng những vấn đề nghiệp vụ phát thanh: tác nghiệp, quản lý, thể loại, ngôn ngữ, công chúng phát thanh…
“Đến với phát thanh” là lời tâm sự sâu lắng nghĩa tình của một người gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp phát thanh, tự hào về nghề phát thanh, hạnh phúc của người làm báo qua những câu chuyện cảm động, sâu sắc từ nhân vật đến cảm xúc của tác giả. Chi tiết ông gặp lại nhân vật của mình – kĩ sư Nguyễn Hậu Tài sau 20 năm và câu nói tận đáy lòng của nhân vật “Có thể anh quên tôi nhưng không bao giờ gia đình tôi quên anh; ai nói anh chuyển ngành là sai, còn tôi, tôi khẳng định anh chọn con đường phát thanh là đúng”, chắc chắn làm ấm lòng mỗi người làm báo.
Ông đến với nghề báo phát thanh bắt đầu bằng bài viết về tấm gương đại úy Nguyễn Hậu Tài quê ở Bến Tre, tập kết ra bắc, là sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm khi tóc đã “muối tiêu”. Bài báo chân dung đầu tiên ấy được phát sóng trên Đài vào năm 1963 đã tạo bước ngoặt của đời, thôi thúc ông đi làm báo như chính ông tâm sự: “Một bài báo nhỏ nối lại tình cảm, niềm tin hai đầu đất nước. Chính điều ấy đã thôi thúc tôi tìm đến với phát thanh”. Sau này, khi được về Đài, ban đầu ông thường xuyên được phân công đi viết về con người, về những tấm gương phụ nữ thời đó, rất bình dị mà rất đỗi “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; từ những cái tên rất lạ lẫm Cù Thị Trở, Bàn Thị Xay ở tận vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), đến những phụ nữ anh hùng trong chiến đấu, như bà mẹ Diệm ở ngay sát cầu Hiền Lương, bất chấp bom đạn để chăm lo cho lá cờ Tổ quốc lúc nào cũng phấp phới tung bay. Ngay từ khi mới vào nghề, nhà báo trẻ Nguyễn Lương Phán đã quan niệm viết về con người, viết cho phát thanh, với cách nhìn mới: “Tôi chọn khâu yếu nhất của mình để rèn luyện. Đó là khi viết chỉ thấy việc, không thấy người, bài viết khô khan, nặng nề. Bởi vậy viết cho chương trình đối tượng cụ thể thì không thể viết theo lối cũ”. Quan niệm ấy, cách nhìn ấy về nghề, vẫn nguyên giá trị cho đến hôm nay, không chỉ cho phát thanh, nhất là đối với các nhà báo trẻ. Chính chất liệu cuộc sống sôi động, anh hùng lúc đó đã giúp ông không chỉ viết tin, phóng sự mà còn viết các thể ký, ghi nhanh, câu chuyện truyền thanh, học để biết thêm về đạo diễn âm thanh… mặc dù thế mạnh của ông là tri thức về khoa học nông nghiệp.
Mỗi câu chuyện tác nghiệp trong “Chuyện nghề” đều có thể rút ra bài học thiết thực. Trong “Chuyện nghề ở Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc” (11.1975), ông kể cuộc “chạm trán” đầu tiên của những người làm báo hai miền Nam-Bắc, khi chứng kiến phong cách làm báo “một người làm được nhiều việc” từ nhà báo Ngô Công Đức, chủ bút báo Tin Sáng, vừa là chủ bút, thư ký tòa soạn, vừa biên tập và cũng là phóng viên kiêm chụp ảnh, trong khi anh em báo chí miền bắc vào “nhiều người làm một việc”. Phong cách “một người làm được nhiều việc” mà ông kể lại, từ gần 50 năm trước, khác nào phong cách làm báo đa phương tiện ngày nay? Cũng tại hội nghị ấy, ông kể lại một bài học nghiệp vụ về ảnh báo chí thật thấm thía, khi bên ngoài hành lang, đồng chí Trường Chinh gọi đến, đưa cho xem tờ báo hàng đầu miền Bắc, chỉ vào bức ảnh ở trang nhất và nói: này không hiểu cái ông Trưởng đoàn miền bắc xuống sân bay Sài Gòn bực bội cái gì mà mặt mày nhăn nhó thế này nhỉ? (Trưởng đoàn chính là đồng chí Trường Chinh và bức ảnh chụp bị chói nắng).
Tôi đọc và học được nhiều điều thiết thực cho người làm phát thanh từ những câu chuyện làm nghề của ông: Chuyện tác nghiệp của phóng viên VOV tại Đại hội Đảng lần thứ VI; chuyện đưa tin tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười họp báo quốc tế tại chỗ ngay sau khi được Quốc hội bầu; chuyện nhà báo Trần Lâm chỉ đạo công việc của Đài; chuyện ông đi khai phá, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Cơ quan Thường trú Miền Trung tại Đà Nẵng;… Thông điệp chính của tác giả là phải có phong cách nhanh, nhạy, dự cảm, lường trước và xử lý quyết đoán, đôi lúc phải có những “ngón nghề phát thanh”.
Đi đến đâu, nhìn thấy, nghe được điều gì về nghề, ông đều nhìn ra vấn đề của phát thanh, nghĩ ngay về công việc quản lý phát thanh ở nhà Đài: Cải cách phát thanh ở tỉnh Quảng Đông; Một câu khẩu hiệu, một buổi đêm nhảy múa theo nhạc phát thanh của các ông, bà trên đường phố Trung Quốc mà ông chứng kiến…Những mong muốn, liên hệ, gợi mở của ông từ những trải nghiệm ấy, chỉ người làm sâu trong nghề phát thanh mới có được, nói được.
Ông nói về nghiệp vụ thể loại, ngôn ngữ loại hình báo phát thanh. “Người tốt việc tốt”, tường thuật thu thanh, phỏng vấn phát thanh, cần những tố chất gì, ngôn ngữ phát thanh cần chú ý những gì, nhà báo phát thanh ứng xử với các loại hình truyền thông mới như blog, báo mạng… như thế nào; đọc tên riêng tiếng Anh trên làn sóng phát thanh ra sao; chuyện nhiều người lên “đài” lên “báo” xưng “mình” với ai? Cả câu chuyện biên tập viên truyền hình dự báo thời tiết “có cần phải diễn không” hay chuyện phỏng vấn người dân như thế nào để tìm được “tiếng nói đích thực”? Những bài học quý giá này không có trong các giáo trình báo chí.
Một câu chuyện nhỏ “Thành thị còn có người nghe đài” của ông, cũng đủ nói được vấn đề công chúng phát thanh: ở thành thị và các khu công nghiệp, người nghe đài còn nhiều lắm, phải chủ động lấy lại cái “thế” của phát thanh ở khu vực này và phải viết thế nào, phát sóng giờ nào cho họ có thể nghe tốt nhất.
Tuổi cao nhưng ông vẫn bắt kịp xu thế phát triển của báo chí, truyền thông, khi đề cập những câu chuyện: Blog – vấn đề lớn đang đối mặt với báo chí, Báo điện tử “vừa chạy vừa xếp hàng”, Vietnamnet đã net, ngày càng nét, Báo chí chính thống phải tự thắp sáng mình. Hay Một cửa... nhiều nhà, Bút danh, nghệ danh cũng là thương hiệu, Đồng tiền... cần “lỗ”, cho thấy một nhà báo đang bám sát thời cuộc.
Có người hỏi, vì sao khi tuổi đã cao mà ông có thể “chuyển nghề” phù hợp với báo điện tử? Ông không ngần ngại: Đấy là nhờ ơn Đài TNVN ngay từ những năm 1985 đã cho ông đi học làm tin, duyệt chương trình ngay trên màn hình máy tính ở CHDC Đức và sau này lai giao cho ông phụ trách tiếp nhận, triển khai dự án viện trợ của Tổ chức SIDA Thuỵ Điển “đưa công nghệ phát thanh trực tiếp vào các đài phát thanh địa phương Viêt Nam”. Đấy là cái vốn liếng quan trọng nhất để ông đi vào báo điện tử.
"Chuyện người" là 25 câu chuyện về những nhân vật lịch sử, đại sứ, danh nhân, nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà báo, nhà văn, doanh nhân Việt kiều, kĩ sư, nông dân, vận động viên…mà tác giả từng biết, từng gặp gỡ, làm việc, hoặc gắn bó. Có những bài chỉ là kỉ niệm về nhân vật trong quá khứ mà tác giả dày công sưu tầm tư liệu, trăn trở, mong muốn làm một điều tốt đẹp để lưu danh, tri ân họ. Sâu đậm nhất là những bài viết theo thể loại chân dung. Viết chân dung trên báo in, báo nói chỉ bằng chữ viết và lời nói, khó khắc họa được hồn cốt, chân dung rõ nét của nhân vật. Trên truyền hình có lợi thế khắc họa bằng hình ảnh thật, rất thật, không cần nhiều lời. Nguyễn Lương Phán vẽ nhân vật qua những câu chuyện về những con người, những cuộc đời, những nghề nghiệp, những hoàn cảnh, với nhiều thế hệ, nhiều vẻ đẹp, từ nhiều góc nhìn. Có lẽ tư duy khoa học cùng với nghề báo nói đã giúp ông có được cách tiếp cận gần gũi và sâu sắc đối với nhân vật. Khi làm thời sự, ông có vinh dự được gặp gỡ hoặc tháp tùng các vị lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Định…
Những bài chân dung của ông có mặt các nhân vật đại diện hầu hết các lĩnh vực đời sống: Một nhân vật lịch sử “Thầy Võ, tướng Văn” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Một thầy giáo cũ Phạm Kiêm Âu, qua vài nét phác thảo, hiện lên một nhà giáo nho nhã, yêu nghề, yêu trò, yêu quê hương đất nước và cũng là một tâm gương nặng nghĩa thầy - trò. Một cụ Nghè có công với đất nước thời phong kiến, chưa được vinh danh. Một nhà báo Trần Lâm – người thầy của chúng tôi, với quan điểm nghề báo và phong cách quản lý, chỉ đạo báo chí quyết liệt, nhạy cảm thời cuộc, lão luyện nghề phát thanh, lãnh đạo đầu tiên và lâu năm nhất của Đài TNVN. Một nhà văn, nhà báo Phan Quang - tấm gương lớn một đời “đọc-đi-nghĩ-viết” và bài học rèn nghề, giữ nghề khi đã ở tuổi tám mươi.
Có lẽ do khi ở Đài, ông được phân công theo dõi nhiều lĩnh vực từ Khoa học kỹ thuât, Nông nghiệp, Phụ nữ, Thời sự, Chuyên đề… khá lâu mà các học giả, nhà khoa học, nghệ sĩ xuất hiện nhiều trong các bài viết. Có thể kể tên những nhân vật nổi tiếng được khắc họa trong tập sách: Giáo sư toán học Bùi Trọng Liễu “học gần, học xa rồi hướng về quê cũ”; Giáo sư toán học Nguyễn Phong Châu - những nhà khoa học - Việt kiều luôn hướng về Tổ quốc; Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng; học giả Vũ Khiêu “sáng ngời gương tự học”; đại sứ Nguyễn Hoàng Long “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu”; các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Tuyên với câu chuyện Môi trường báo chí đã tạo ra gía trị “để đời” cho bài ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”; Thuận Yến - “nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất về Bác Hồ” với hành trình lao động nghệ thuật miệt mài “theo bước chân Người, đi tìm nguồn cảm hứng” cho sáng tác nhạc; câu chuyện phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Hà, nói về “trách nhiệm của người nghệ sĩ sáng tác” là phải cố gắng hết sức để “ghi lại tình cảm điển hình trong những giây phút điển hình của đất nước”, “muốn sáng tác tốt phải có vốn sống, vốn thực tế” có những nét tương đồng lao động của nhà báo; chuyện về các nghệ sĩ nhân dân Quý Dương, Trần Hiếu; nhạc sĩ Đặng Hồng Anh, Việt kiều châu Âu nổi tiếng với những tác phẩm nhạc khí thấm đẫm chất liệu dân ca 3 miền và giao hưởng thơ Kiều; Cô gái Mường, giọng ca opera hàng đầu đất nước hay những người phụ nữ dân tộc Mông, dân tộc Tà Ôi, đưa thổ cẩm Mông, Zèng sang đất Nhật,…
Tôi đặc biệt thích thú khi đọc bài Đảo chìm: “Thần bút” của người lính biển Trường Sa. Trần Đăng Khoa “thần đồng thơ” thì nhiều người biết. Nhưng “thần bút” khi viết tập truyện “Đảo chìm” như thế nào, chỉ đọc những đoạn trích trong bài sẽ đủ thấy. Bài báo cho thấy một cách kể chuyện hết sức tài tình của Trần Đăng Khoa về những chuyện rất thật, thật trăm phần trăm của lính đảo Trường Sa. Phải đọc sâu, hiểu sâu và có “con mắt xanh” của một người viết từng trải, mới chắt lọc ra được những đoạn đối thoại, độc thoại “thần bút” ấy. Nguyễn Lương Phán đã làm công việc như một nhà phê bình văn học, phê bình báo chí vậy.
Cái chất phát thanh, con mắt phát thanh của Nguyễn Lương Phán còn là ở chỗ, viết gì, kể chuyện gì, cuối cùng ông cũng “neo” được vào môi trường báo chí, “gút” được bài học làm nghề cho bản thân, cho người đọc.
"Chuyện bốn phương" đưa người đọc đến gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo dấu chân của một nhà báo đi qua nhiều lục địa nhưng luôn tìm tòi, phát hiện, trăn trở, liên tưởng về quê hương. Ở Đài TNVN, nhiều nhà báo viết bút ký có hạng mà tấm gương tiêu biểu cả về đề tài, cả về phong cách viết ký, nhất là du ký, là nhà báo Phan Quang. Cũng có thể do đặc trưng làm nghề báo nói, chất bay bổng, gợi mở trong thể ký của người nhà Đài có phần nổi bật hơn.
Nhiều bài viết của nhà báo Nguyễn Lương Phán sinh động, cuốn hút theo mạch và cảm xúc của những bài du ký: Hương sắc Tết Việt Nam trên đất Mỹ; Nước Ý – chuyện tình của một nhà báo Việt Nam; Ngôi nhà Việt Nam giữa Paris; Marseille quen mà lạ; Thăm Annecy – thị trấn hữu tình du lịch nổi tiếng của nước Pháp; Khám phá rừng lá phong tuyệt đẹp ngay tại Việt Nam; Tôi đi chợ cá Sydney; Thăm đảo Bali, nơi vẹn nguyên bản sắc dân tộc; Năm Hợi – thăm đất nước không thịt lợn và bia rượu; Một ngày trên đảo Jeju tuyệt đẹp; Ngày xuân “Tây Du” hành hương lễ phật; Sang Ấn Độ thăm ngôi trường Đường Tăng du học; Người Nhật ăn Tết Tây; Từ những công trình của Gaudi ở Catalan nhớ nghệ thuật khảm sành sứ xứ Huế; Jordan – đất nước của những kiệt tác kiến trúc hàng ngàn năm tuổi; Hành hương đến miền đất lửa; Choáng ngợp trước Kim Tự Tháp Giza; Tình Châu Giang…
Không chỉ là những câu chuyện sinh động “vừa đi vừa kể”, mà đọng lại là những con người, những cuộc đời, những việc làm, những miền đất lạ, đem đến cho người đọc kiến thức, cảm xúc và sự xích lại gần nhau giữa những con người, những cộng đồng dân tộc, những quốc gia xa cách về địa lý, nhưng luôn gần nhau trong tình yêu quê hương, tình yêu con người, tình yêu nhân loại.
Tôi nghĩ, một nhà báo trọn đời làm báo đã là đáng trân trọng. Từ cuộc đời làm báo, chắt lọc ra, ghi lại trong những cuốn sách như "Chuyện nghề, Chuyện người, Chuyện bốn phương" giàu chất nghề báo, mang đến một tình yêu nghề nghiệp, tình yêu con người, yêu quê hương đất nước, chẳng phải đáng quý lắm sao!