Bình Định tăng cường kiểm soát phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Thành Long/VOV-Miền Trung | 15/04/2021, 07:00

Tỉnh Bình Định có đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là trâu bò rất lớn ở khu vực miền Trung. Ngành thú y tỉnh Bình tăng cường kiểm soát, khẩn trương tiêm phòng, không để dịch bệnh lây lan.

Tại huyện miền núi Vân Canh, nơi tiếp giáp với tỉnh Phú Yên, địa phương đang bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng, cán bộ thú y phải đến từng gia đình vận động đưa trâu bò về nhà để tiêm phòng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên chỉ trong tháng 3 vừa qua, tỷ lệ tiêm phòng ở địa phương này đạt trên 92%, góp phần ngăn chặn bệnh lở mồm long móng. Bà Đinh Thị Xuyến, hộ chăn nuôi đồng bào Ba Na ở xã miền núi Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết, khi nghe nhân viên thú y tuyên truyền nên đưa trâu bò về nhà để thú y tiêm phòng cho an toàn. 

Ngoài bệnh viêm da nổi cục, ngành thú y tỉnh Bình Định tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng... cho gia súc. Tại một số huyện miền núi của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số thường có thói quen chăn nuôi trâu bò thả rông trên rừng nên việc tiêm phòng rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay địa phương yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác, không để dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan vào địa bàn.

“Đối với tình hình dịch viêm da nổi cục, hiện nay huyện đã chủ động tuyên truyền vận động bà con thường xuyên phun thuốc tiêu độc sát trùng, diệt ruồi, ve để hạn chế bệnh viêm da nổi cục. Đồng thời tuyên truyền vận động bà con khi phát hiện trong đàn gia súc có biểu hiện lạ như sốt, ngoài da có nốt cục nổi lên báo cho cơ quan thú y”- ông Nguyễn Văn Hà cho biết. 

Chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cơ quan chức năng lập 2 chốt kiểm dịch động vật ở 2 đầu tỉnh đặt ở đèo Bình Đê (giáp tỉnh Quảng Ngãi) và đèo Cù Mông (giáp tỉnh Phú Yên). Hai Trạm kiểm dịch động vật này hoạt động suốt ngày đêm, kiểm tra chặt chẽ xe chở trâu, bò từ Bình Định đi các địa phương khác và từ nơi khác đi qua địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng trạm kiểm dịch động vật đèo Cù Mông cho biết: Ngoài kiểm soát chặt các phương tiện qua trạm, cán bộ thú y tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng các xe chở trâu, bò qua địa bàn. 

“Hai đầu Cù Mông và Bình Đê tăng cường công tác kiểm tra rất chặt chẽ, nhất là xe chở trâu, bò. Chúng tôi kiểm tra chặt về lâm sàng cũng như hồ sơ giấy tờ. Thời gian qua chưa phát hiện trường hợp xe chở trâu, bò có bệnh viêm da nổi cục. Các lực lượng kiểm tra xong thì thực hiện công tác tiêu độc sát trùng cho phương tiện để qua trạm”- ông Bình cho biết. 

Tỉnh Bình Định có đàn trâu bò khoảng 300.000 con. Sau khi tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch, khẩn trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Từ đầu tháng 3, toàn tỉnh triển khai tiêm vaccine đợt 1/2021, sớm hơn mọi năm. Đến nay, đã tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng cho gần 230.000 con trâu, bò; đồng thời hỗ trợ người dân phun thuốc tiêu độc sát sát trùng chuồng trại.

“Người chăn nuôi phải hạn chế khi mua những gia súc không rõ nguồn gốc vào địa bàn vì không rõ nguồn gốc dễ mang nhiều mầm bệnh tới và có khi lây cho đàn gia súc của mình. Phải tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, đồng thời mua gia súc rõ nguồn gốc. Cơ quan thú y sẽ tăng cường các chốt kiểm dịch hoạt động 2 đầu của tỉnh, giám sát việc đăng ký xuất nhập tại địa phương”- ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết./.       

Bài liên quan
Ngắm 'mùa vàng' bình yên trên những cánh đồng lúa tại Bình Định
Đầu tháng 4 là lúc những cánh đồng lúa ở Bình Định chín rộ, màu vàng trải dài thơ mộng khiến người ta "no mắt", khoan khoái tất thảy các giác quan.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất