Việt Nam khẳng định vai trò nòng cốt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Song Hy | 22/01/2022, 14:18

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã thể hiện được năng lực điều hành, tỏ rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Sáng 22/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng khẳng định việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên thể hiện vị thế của đất nước, sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của nước ta.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để nâng tầm Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, thể hiện bản lĩnh chính trị của Việt Nam. 

Việt Nam khẳng định vai trò nòng cốt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - 1

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Đánh giá về nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến thiết thực, đúng và trúng quan tâm của cộng đồng quốc tế, cũng là các vấn đề quan trọng đối với lợi ích của nước ta. 

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước khẳng định rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nhiều dấu ấn tích cực được các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kể cả các nước ủy viên thường trực, các nước bạn bè truyền thống, đang phát triển, không liên kết... coi trọng, đánh giá cao.

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng đưa ra những gợi mở cho công tác đối ngoại, hoạt động ngoại giao thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cơ quan làm công tác đối ngoại tiếp tục giữ vai trò, tiên phong, đi trước mở đường, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước trong tình hình mới.

Ngoài ra, các cơ quan ngoại giao cần triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại đa phương trên tất cả lĩnh vực, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.

“Đối ngoại nói chung, ngoại giao đa phương nói riêng cần bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa qua, coi đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược quan trọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay. 

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngoại giao tiếp tục đóng vai trò nòng cốt dẫn dắt, hòa giải, tham gia định hình các quy tắc tại các diễn đàn đa phương phù hợp điều kiện cho phép thông qua đăng cai các hội nghị quốc tế lớn, ứng cử đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế, chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế, giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước.

Việt Nam khẳng định vai trò nòng cốt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Báo cáo về kết quả và dấu ấn nổi bật trong hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên cương vị này với nhiều dấu ấn quan trọng. Đây là thành tựu lớn của công tác đối ngoại, khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng cũng nêu 5 dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thứ nhất, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.  

Thứ hai, Việt Nam đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, trong đó có cả xử lý hậu quả xung đột, hướng tới phát triển lâu dài của quốc gia.

Thứ ba, Việt Nam thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em một cách thực chất. 

Thứ tư, Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, cũng như đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an.

Thứ năm, Việt Nam đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao khẳng định các dấu ấn nói trên thể hiện nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa qua một bước đi góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Việt Nam.

Song Hy
Bài liên quan
Liên hợp quốc kêu gọi điều tra mộ tập thể 'kinh hoàng' ở dải Gaza
Liên hợp quốc kêu gọi tiến hành điều tra về những ngôi mộ tập thể được phát hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Gaza bị quân đội Israel đột kích.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất