Tưởng phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19, đi khám mới biết bị sốt xuất huyết

Thiên Bình/VOV.VN | 01/07/2021, 16:53

Sau tiêm vaccine COVID-19, bệnh nhân H.M.T (ở Hà Nội) sốt cao, đau mỏi người nên nhầm lẫn với phản ứng sau tiêm.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông báo vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H.M.T (37 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuất hiện sốt cao và đau mỏi người sau tiêm vaccine COVID-19. Vì nghĩ là phản ứng sau tiêm vaccine nên bệnh nhân chỉ theo dõi ở nhà. Đến khi người mệt, tiểu cầu hạ, xuất hiện ban đỏ… bệnh nhân mới đến bệnh viện khám và được phát hiện mắc sốt xuất huyết. 

Trước đó, ngày 18/6, anh T tiêm phòng vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Sau tiêm, anh T sốt, mệt mỏi, đau cơ. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân hết sốt, xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi… nên mới đi khám.

Tưởng phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19, đi khám mới biết bị sốt xuất huyết - 1

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị hạ tiểu cầu, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Hiện sau 6 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nhiều người dân có tâm lý lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nên ngại đến bệnh viện khám. Với những người tiêm vaccine COVID-19, họ có triệu chứng sốt, đau mỏi người... nên thường bỏ qua khả năng mắc bệnh khác.

"Đây là một trong những sai lầm thường gặp hiện nay khiến việc phát hiện mắc sốt xuất huyết muộn, trong khi dịch đang có chiều hướng gia tăng", PGS.TS Cường nói.

Từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… Riêng tại Hà Nội, từ đầu hè tới nay các ca sốt xuất huyết ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín đã lan dần vào cac khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. 

"Triệu chứng nhận biết sốt xuất huyết là: Sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà", PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân cũng cần lưu ý các triệu chứng của sốt xuất huyết, nhất là khi những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: Sốt, đau mỏi cơ... Người dân cần hết sức chú ý và các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Thiên Bình/VOV.VN
Bài liên quan
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng chị em nên lưu ý
Ung thư buồng trứng là loại ung thư phổ biến nữ giới thường mắc phải, giai đoạn đầu bệnh có thể bị nhầm lẫn với bệnh khác thông qua một số dấu hiệu thường gặp.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất