Khái niệm sức khỏe không chỉ đóng khung trong việc không có bệnh hoặc tật nguyền. Thể lực khỏe mạnh phải đi đôi với tâm hồn thư thái. Sức khỏe tâm thần ở trạng thái không bình thường không chỉ làm giảm sút kết quả học tập, lao động của bản thân bệnh nhân, mà còn gây những tổn hại khó lường cho gia đình và cộng đồng. Một tỷ lệ lớn các hành vi gây rối trật tự công cộng, phạm pháp có liên quan đến trạng thái tâm thần bất ổn.
Sức khỏe tâm thần (SKTT) là mặt trọng tâm thiết yếu vì chức năng tâm thần của hệ thần kinh là chủ đạo, điều khiển mọi hành vi, tư duy và cảm xúc của con người.
Sức khỏe tâm thần là một phần của cuộc sống chúng ta. Ảnh hưởng của nó lên mọi mặt của đời sống là rất rõ ràng. Những trạng thái lo lắng thái quá, chán nản, mệt mỏi là những biểu hiện ban đầu của sự bất bình thường về SKTT. Phát hiện kịp thời và có can thiệp ngay từ đầu giúp ngăn chặn không chỉ sự tiến triển bệnh trên bệnh nhân mà còn ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cộng đồng.
Như vậy, để phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng nói chung cần có những biện pháp sau:
Sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi
Phải biết cân nhắc giữa thực tế và yêu cầu để sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý. Công việc quá căng thẳng có thể dẫn đến stress, mệt mỏi, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Đảm bảo ngủ tốt
Sinh hoạt điều độ theo giờ gian biểu rõ ràng, ngủ đúng giờ và đủ số giờ cần thiết, hạn chế rượu cùng các chất kích thích giúp duy trì trạng thái sức khỏe tinh thần khỏe mạnh.
Tổ chức tốt cuộc sống gia đình
Gia đình là môi trường luôn tác động đến đời sống tâm thần mỗi người. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải đem hết sức mình tạo lập nên một không khí đầm ấm vui tươi. Đó là sợi dây tình cảm gắn bó nhau để an ủi giúp đỡ nhau trong việc đối phó với các khó khăn hàng ngày. Việc giáo dục con em trong gia đình không nên quá nghiêm khắc như mắng nhiếc, đánh đập, cũng không nên quá nuông chiều, tâng bốc.
Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý
Trong gia đình, cần tránh các xung đột, mâu thuẫn giữa cha mẹ hoặc anh em. Trong cơ quan, cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, cần luôn xây dựng tinh thần đoàn kết hợp tác.
Biết chọn lọc thông tin, có thái độ đúng với các cảm xúc âm tính
Kiên quyết loại trừ những thông tin không cần thiết. Cảm xúc dương tính (vui mừng, phấn khởi, lạc quan...) làm tăng trương lực của vỏ não, ảnh hưởng tốt đến hoạt động tim mạch và chuyển hóa, còn cảm xúc âm tính (lo âu, giận giữ, sợ hãi, bi quan, thất vọng...) thì có ảnh hưởng ngược lại.
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là bệnh viện hạng I, đầu ngành tâm thần của Thành phố Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô với quy mô 450 giường bệnh nội trú và quản lý, điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân tại cộng đồng.
Trên 65% thày thuốc có trình độ sau đại học, luôn cặp nhật kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị. Chất lượng công tác chuyên môn ngày một nâng cao và đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.
BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI - HANOI MENTAL HOSPITAL
Địa chỉ: Ngõ 467, đường Nguyễn Văn Linh, phường Sài Đồng, Quận Long Biên, TP Hà Nội
Hotline: 0967301616