Sông Hồng “nuốt” đất, uy hiếp cuộc sống người dân Trấn Yên - Yên Bái

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc | 20/03/2024, 16:32

Hiện nay, một đoạn bờ sông Hồng khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài vài trăm mét, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và việc canh tác của người dân địa phương, rất cần được xử lí sớm.

Có mặt tại khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mặc dù đang mùa nước cạn nhưng vẫn dễ nhận thấy dòng nước sông Hồng đang tiếp tục “nuốt” đất. Dưới mép nước, đất màu liên tục lở xuống; bờ sông nham nhở hàm ếch, vết nứt, lộ ra địa chất nơi đây rất yếu, nguy cơ sạt lở lớn bất cứ lúc nào...

Trên bãi, diện tích đất sát mép lở, người dân vẫn canh tác dâu tằm và rau màu, mặc dù không biết lúc nào sẽ bị nước cuốn đi nốt. Theo một số người dân địa phương, nguyên nhân sạt lở có thể là do hoạt động khai thác cát và khoáng sản diễn ra trước đây, cộng với các yếu tố tự nhiên khác.

Ông Lê Công Tiền, người dân thôn Đình Xây, xã Báo Đáp cho biết, trước đây bờ sông ở cách vị trí hiện tại hàng chục mét, rồi qua mỗi năm sạt thêm, bây giờ đã áp sát con đường dân sinh. Dâu, hoa màu là nguồn thu nhập chính của bà con nhưng cứ đà này nhiều khả năng số diện tích còn lại ít ỏi cũng sẽ sạt trôi đi hết. Vừa qua chính quyền cũng đã xuống xem xét nên người dân hi vọng sẽ có phương án khả thi.

"Do sạt lở nên đất canh tác của chúng tôi thu hẹp nhiều quá mà người dân lại chỉ dựa vào đất đai để sinh sống. Bây giờ cuộc sống bà con bị ảnh hưởng rất là nhiều, thu nhập hàng năm thất thu. Kiến nghị của bà con là nhà nước đầu tư kè bờ sông giúp người dân giữ lại đất canh tác", ông Lê Công Tiền nói.

Dọc khu vực sạt lở, một số hộ dân đã di dời đi nơi khác, bỏ lại những ngôi nhà vốn được đầu tư xây dựng khá kiên cố. Sinh sống bên cạnh những ngôi nhà này mà chưa di dời, bà Nguyễn Thanh Bình chỉ cho phóng viên vết nứt dài hàng chục mét chạy dọc sân nhà mình. Bên cạnh đó là những bức tường cũng bị nứt do ảnh hưởng của sạt lở.

Bà Bình cho biết, ngoài nhà cửa bị ảnh hưởng thì toàn bộ diện tích cấy trồng khoảng 6 sào đất cũng đã trôi theo dòng nước. Cách đây vài năm, gia đình cố gắng đầu tư được dãy nhà nuôi tằm nhưng hiện diện tích dâu đã bị sạt đi mất hết nên đành bỏ không.

Bà Bình chia sẻ, gia đình sinh sống ở đây đã lâu, đã đầu tư xây dựng ngôi nhà khang trang, giờ nếu phải đi định cư nơi khác thì rất khó khăn.

"Chính quyền muốn di dời dân đi vì sợ gần bờ sông nó lở. Chính quyền bảo hai, ba năm nay rồi nhưng chúng tôi bây giờ già rồi, không làm sao đi được nữa, thôi kệ. Chỉ mong muốn nhà nước đầu tư kè ra được thì dân còn đất", bà Bình cho biết.

Làm việc với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, trước tình hình sạt lở, địa phương đã di chuyển 2 hộ dân nguy hiểm nhất ra khỏi khu vực này, đồng thời huyện đã báo cáo lên tỉnh đề nghị xử lí kè chống sạt lở.

"Hiện nay chúng tôi được biết dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã và đang cùng huyện Trấn Yên thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để khởi công sớm", ông Nguyễn Đức Mầu cho biết.

Được biết, Dự án Kè chống sạt lở và phát triển cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hồng mới đây đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt với tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân cũng như bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tạo sự ổn định cho người dân sinh sống, sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên với tổng chiều dài 4.227m. Riêng đoạn khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên có chiều dài tuyến kè 583m, thời gian thực hiện là 04 năm.

Cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông Hồng ở các địa phương khác, bà con nhân dân thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện đang rất mong chờ dự án được khởi công, thoát khỏi cảnh sống lo âu, thấp thỏm  như hiện nay, nhất là khi mùa mưa lũ đang cận kề.

Bài liên quan
Vụ tai nạn lao động ở Yên Bái: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam
Công an tỉnh Yên Bái vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam trong vụ án “Vi phạm quy định về an toàn lao động” xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất