Sau bão số 4, bờ biển ở Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở nghiêm trọng

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung | 01/10/2022, 19:17

Sau bão số 4, bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế sạt lở nhiều nơi với khoảng 12 km, trong đó gần 3km sạt lở nặng. Tại bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, hàng nghìn m3 đất cát ở bờ đê chắn sóng bị cuốn trôi theo từng đợt sóng dữ. Hàng trăm hộ dân đối mặt nguy cơ mất đất, nhà cửa

Bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc sau bão số 4 bị xâm thực sâu vào đất liền từ 5 đến 7 mét. Nước biển xé toang dải cát và rừng phi lao phòng hộ ven bờ, cát biển lùa vào vùi lấp đồng ruộng, ao hồ của người dân. Tình trạng xâm thực đất nông nghiệp đã xuất hiện tại đây nhiều năm qua và ảnh hưởng của cơn bão số 4 càng thêm nghiêm trọng. Ông Phan Ngọc Ánh, ở thôn 3, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc cho biết, cả rừng phi lao phòng hộ ven biển bị sóng đánh bật gốc, cuốn trôi, nước biển và cát tràn vào 140 héc ta đồng ruộng và khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương.

Tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế trong vòng 30 năm qua đã có hàng chục héc ta bờ biển, rừng phòng hộ và đất nông nghiệp bị sạt lở, cuốn ra biển, bờ biển lấn sâu vào đất liền 500 mét. Sau bão số 4, bờ biển nơi đây tiếp tục bị sạt lở, lấn sâu vào đồng ruộng.

Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải cho biết, cơn bão số 4, sóng biển dâng cao hơn 4 mét làm vỡ tuyến đê biển ở thôn Mỹ Cảnh, cát biển tràn vào, vùi lấp hồ nuôi trồng thủy sản và ruộng của người dân.

 “Giang Hải là một xã bãi ngang ven biển và ven đầm phá, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lụt. ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, 1,5 km bờ biển của xã bị ảnh hưởng, đặc biệt là biển xâm thực sâu vào đất liền 7 mét ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn xã.”- ông Hữu nói.

Tình trạng xói lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế kéo dài nhiều năm nay, đặc biệt vào mùa mưa bão, tình trạng này càng uy hiếp cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc... Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây dựng 6 km tuyến đê biển xung yếu. Hiện vẫn còn nhiều điểm sạt lở dọc tuyến biển chưa được xử lý, tiếp tục bị xói lở.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước mắt tại các điểm sạt lở, các địa phương tập trung gia cố, đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí làm kè chống xói lở tại các điểm xung yếu.

 “Trong cơn bão số 4 sóng lớn cũng như gió mạnh đã tiếp tục gây sạt lở các điểm xung yếu. Đối với các vùng sạt lở, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi vấn đề sạt lở để có giải pháp phù hợp. Ngoài ra, chỉ đạo các địa phương tổ chức gắn biển cảnh báo, rà soát, di dời dân khỏi các khu vực xung yếu. Tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương rà soát để hỗ trợ các điểm xung yếu để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như  cơ sở hạ tầng”./.

Bài liên quan
Tái định cư 7 năm vẫn chưa chính thức sở hữu đất ở - chuyện lạ ở Thừa Thiên Huế
Sau 7 năm bị thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đến nay, các hộ dân ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà ở trong khu tái định cư mới tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Thế nhưng, chưa hộ dân nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điện và nước sạch không đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Nhiều hộ dân rất

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất