Quảng Nam chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô

Phương Cúc/VOV-Miền Trung | 20/05/2022, 06:15

Bước vào mùa khô, chủ động ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng sẵn sàng phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng”.

Gia đình chị Coor Đới ở xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có 2ha cây keo phải thường xuyên đốt dọn thực bì. Mấy năm nay, chị Đới thực hiện tốt quy trình đốt dọn và làm đường băng ngăn lửa.

Chị Đới cho biết: “Khi nào đốt phải dọn khoảng cách tầm 6-7 mét. Nhất là khi gần rừng phòng hộ, rừng già thì phải dọn xa 8 mét rồi mới đốt. Khi nào đốt thì phải vận động lực lượng như tổ tự quản, tổ phòng cháy chữa cháy rừng để tham gia giúp hộ chuẩn bị đốt để tránh tình trạng cháy rừng”.

Mùa khô cũng là mùa cao điểm người dân ở miền núi tỉnh Quảng Nam phát đốt dọn nương rẫy. Huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có khoảng 150.000 ha rừng, trong đó, nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy trong mùa khô. Địa phương đã thành lập các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn, xã. Lực lượng này thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phản ánh tình trạng về môi trường rừng.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời: “Chúng tôi tuyên truyền lưu động, mùa nắng nóng không được đốt nương làm rẫy. Ai cố tình đốt thì bị phạt theo quy định và nếu để vi phạm nặng sẽ bị truy tố, khởi tố. Chúng tôi cũng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng giữa Hạt Kiểm lâm với địa phương, chủ rừng. Kiểm lâm địa bàn phải kiểm tra, tuần tra cụ thể, phát hiện khói phải báo cáo ngay. Huy động lực lượng 4 tại chỗ để xử lý việc phòng cháy chữa cháy nhưng phòng vẫn là trên hết”.

Năm 2021, tỉnh Quảng Nam xảy ra gần 90 vụ cháy, thiệt hại hơn 800 ha rừng, trong đó khoảng 260 ha diện tích rừng không thể phục hồi. Nguyên nhân các vụ cháy rừng do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng trong khi người dân sử dụng lửa đốt thực bì sau khai thác không tuân thủ quy định. Hiện nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều đầu tư mua sắm nhiều thiết bị và ứng dụng công nghệ vào hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị thường xuyên yêu cầu các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các tình huống cháy theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) và “5 sẵn sàng” về lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

“Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng với những loại cây dễ cháy khá lớn, chủ yếu là các loại keo, nên đây cũng là nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngay từ đầu năm, ngành cũng đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh và ngành cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng”, ông Từ Văn Khánh nói./.

Bài liên quan
Nhiều diện tích rừng ở Đắk Lắk có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Cao điểm mùa khô ở Đắk Lắk, với nắng nóng gay gắt kéo dài đang khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng, các chủ rừng và người dân đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm chủ động ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất