Làm rõ vai trò "công ty con" trong vụ thâu tóm đất ở Bình Dương

Võ Nam/VOV.VN | 17/08/2022, 16:05

Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn vai trò của các "công ty con" trong vụ án chuyển nhượng sai phạm "đất vàng" tại tỉnh Bình Dương.

Ngày 17/8, phiên tòa xét xử vụ thâu tóm “đất vàng” tại Bình Dương tiếp tục với phần thẩm vấn. Theo cáo buộc, sau khi được bố vợ là ông Nguyễn Văn Minh cho biết, Tổng Công ty Bình Dương sẽ triển khai thực hiện dự án trên khu đất 43 ha, bị cáo Nguyễn Đại Dương thống nhất cùng ông Minh thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án.

Do vậy, Nguyễn Đại Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, để bạn là bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Cáo buộc cho rằng, ông Hùng tham gia góp vốn thành lập pháp nhân Công ty Âu Lạc, ngồi ghế Tổng giám đốc. Tuy nhiên, mọi hoạt động đều theo sự chỉ đạo, điều hành của Nguyễn Đại Dương. Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, bị cáo Dương đã chỉ đạo ông Hùng ký các hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ngày 2/8/2017, Hùng đại diện cho Công ty Âu Lạc ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú với giá hơn 161 tỷ đồng; ký Hợp đồng hứa mua hứa bán vốn góp với Công ty Thuận Lợi; ký hợp đồng với Công ty Kim Oanh TP HCM.

Sau khi nhận tiền từ việc chuyển nhượng Công ty Tân Phú từ các Công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh, Hùng đã ký các lệnh chuyển tiền theo chỉ đạo của Nguyễn Đại Dương. Việc bị cáo Nguyễn Quốc Hùng ký các hợp đồng trên bị cho là đã giúp cho ông Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đại Dương thực hiện được thỏa thuận chuyển nhượng khu đất 43 ha và 30% vốn góp.

Vì vậy, hành vi của bị cáo Hùng là đồng phạm với bố con bị cáo Nguyễn Đại Dương về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Đại Dương trình bày, bị cáo chỉ giới thiệu bị cáo Hùng đến gặp bố vợ để hợp tác kinh doanh chứ không tham gia thành lập Công ty Âu Lạc, không tham gia soạn thảo các hợp đồng.

Theo lời khai của Nguyễn Quốc Hùng, bị cáo Nguyễn Đại Dương là người giới thiệu bị cáo cho gặp ông Nguyễn Văn Minh và Đặng Thị Kim Oanh để hợp tác làm ăn. Lần đầu đến gặp ông Nguyễn Văn Minh, bị cáo được bị cáo Nguyễn Đại Dương dẫn lên giới thiệu. Sau khi ký hợp đồng hợp tác liên doanh với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, bị cáo có báo lại cho ông Dương biết. Tiếp đó, công việc hợp tác có vướng mắc gì, bị cáo đều báo cho ông Nguyễn Đại Dương biết.

Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS, bị cáo Hùng trình bày, khi Công ty Thuận Lợi chuyển tiền, bị cáo đã nói với Nguyễn Đại Dương. “Lúc đó, anh Dương nói với bị cáo, nếu chưa dùng đến thì cho anh ấy mượn để kinh doanh ô tô", bị cáo Hùng khai.

Giải thích cho việc trong khi Công ty Âu Lạc còn chưa đủ tiền để trả cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, nhưng lại sẵn sàng đưa tiền cho Nguyễn Đại Dương vay, bị cáo Hùng cho rằng: “Bị cáo hứa cho anh Dương vay tiền nên muốn giữ lời hứa dù không biết anh Dương dùng tiền vào việc gì. Việc bị cáo và anh Dương cho nhau vay tiền là rất bình thường, thường xuyên và anh Dương cũng thường trả nợ rất đúng hạn”.

Sau đó, HĐXX hỏi đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cũng như đại diện Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương có quan điểm như thế nào đối với 2 khu đất 145 ha và 43 ha hiện nay. Ông Phạm Văn Hiền, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương trình bày sau khi phát hiện các sai phạm liên quan đến 2 khu đất nêu trên, Tỉnh ủy Bình Dương đã có rất nhiều văn bản xin được khắc phục hậu quả. Đồng thời, các doanh nghiệp liên quan cũng đã họp thống nhất xin trả lại các phần vốn góp, trả lại giá trị tài sản của Nhà nước.

Ông Hiền nhấn mạnh, trong năm 2021 mặc dù Bình Dương đang phải căng mình chống đại dịch Covid-19 nhưng Thường trực Tỉnh ủy vẫn tổ chức 2 cuộc họp để trình các cơ quan cấp trên xin được khắc phục hậu quả đối với hai khu đất nói trên.

Đối với khu đất 43 ha, ông Hiền cho biết các bên liên quan cũng đã họp và thống nhất xin trả lại tiền chênh lệch cho nhà nước để đảm bảo không để tài sản bị thất thoát, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật.

Trong trường hợp phải đấu giá lại, ông Hiền cho biết quan điểm của Bình Dương là đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đúng quy định của pháp luật.

“Bình Dương cố gắng đeo đuổi để khắc phục hậu quả, nhưng phải chờ phán quyết của tòa. Hành vi vi phạm của ai gây ra pháp luật sẽ phán xử. Còn chúng tôi đang tiếp tục cố gắng về sự phát triển của Bình Dương” - ông Hiền trình bày./.

Bài liên quan
Hôm nay, tuyên án cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo
Sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, phiên tòa vụ án chuyển nhượng sai phạm "đất vàng", với các bị cáo từng là cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra phần tuyên án vào chiều 30/8.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất