
Liên minh châu Âu “hết lòng hết sức” với Ukraine
Các đồng minh của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung nguồn lực để cung cấp cho Ukraine vũ khí chống UAV và tên lửa đạn đạo của Nga.
Trong cuộc họp các đồng minh của Ukraine vào ngày 21/7/2025 tại Ramstein (Đức), Anh và Đức cam kết cùng cung cấp cho Ukraine một số lượng tên lửa để bảo vệ không phận của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healy nói: “Tôi và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nhất trí cùng cung cấp cho Ukraine những tên lửa phòng không mà nước này hiện đang rất cần”.

Để đối phó với các cuộc tập kích UAV của Nga, quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống phòng không IRIS-T do Đức chế tạo và các hệ thống NASAMS và SHORAD do Mỹ sản xuất.
Từ ngày 17-22/7, Ukraine được cho là bắn hạ hoặc chế áp điện tử được 833 trong tổng số 968 UAV Nga nhắm vào các đô thị và cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
Trong vụ tấn công lớn vào ngày 21/7, phía Ngađã phóng 426 UAV cùng 5 quả tên lửa đạn đạo Kh-47 M2 Kinzhal, 4 quả tên lửa hành trình Kalibr, một tên lửa hành trình Iskander-K và 14 tên lửa hành trình Kh-101.
Ukraine sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để bắn hạ hoặc vô hiệu hóa UAV Nga, bao gồm tên lửa vác vai, súng máy hạng nặng và tác chiến điện tử. Nhưng phương pháp hiệu quả đối với họ hiện là súng phòng không 35mm Gepard được hỗ trợ bằng radar Đức và các UAV đánh chặn do Ukraine tự phát triển, theo Olena Kryzhanivska - chuyên gia tác chiến UAV của Ukraine.
Hiện nay châu Âu vẫn cam kết hỗ trợ tài chính cho quốc phòng của Ukraine.
Hôm 16/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất gói ngân sách 131 tỷ euro (tương đương 154 tỷ USD) cho phòng thủ và mảng vũ trụ. Số tiền này sẽ dành cho việc mua sắm hàng hóa quân sự của EU, đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng trọng yếu lưỡng dụng của EU.
Bà Leyen cũng đề xuất tăng gấp đôi Quỹ Viện trợ Ukraine, lên mức 100 tỷ euro (tức 117 tỷ USD). Ngoài ra, vào ngày 18/7, EU cũng công bố gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, với mục tiêu cắt đứt toàn bộ việc nhập khẩu còn lại đối với năng lượng từ Nga.
Ukraine “khát” vũ khí đặc chủng do Mỹ sản xuất
Tổng thống Ukraine Zelensky đã xác định vũ khí sản xuất nội địa là một ưu tiên hàng đầu. Hôm 17/7, ông cho biết Ukraine ưu tiên tăng sản xuất vũ khí nội địa. Ông nói: “Hiện nay, khoảng 40% vũ khí trong tay các chiến binh của chúng tôi là được sản xuất tại Ukraine. Trong 6 tháng nữa, con số này sẽ phải là không dưới 50%”.
Tuy nhiên, Ukraine hiện chưa có giải pháp “cây nhà lá vườn” nào để chống lại những vũ khí tầm xa của Nga như tên lửa đạn đạo. Giải pháp hiệu quả nhất mà Ukraine sở hữu hiện nay là các tổ hợp tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius hôm 17/7 tiết lộ rằng trong chuyến thăm thủ đô Washington mới đây, ông đã nhất trí với người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth rằng Đức sẽ đóng góp vào việc cung cấp nhanh cho Ukraine 5 hệ thống Patriot.
Một tổ hợp Patriot gồm một mảng ăng-ten - radar trung tâm và ít nhất 6 xe phóng tên lửa, mỗi xe chở 4 quả tên lửa đánh chặn.
Có vẻ như Đức sẽ chi trả cho số vũ khí này. Đổi lại, Mỹ sẽ cho Đức và những nước khác tham gia quyên góp Patriot cho Ukraine được hưởng quyền ưu tiên khi mua những hệ thống thay thế.
Tổng thống Ukraine Zelensky nói với Newsmax và New York Post rằng ông sẽ mua riêng hệ thống Patriot và thanh toán bằng… những UAV do Ukraine chế tạo.
Ông Zelensky nói với Newsmax: “Tôi đã nói với Tổng thống Trump như thế này. Người Mỹ cần công nghệ này (UAV) và nên có nó trong kho vũ khí. Tôi tin đây là thỏa thuận lớn, hai bên cùng thắng. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Mỹ và châu Âu”.
Nỗ lực “thổi lửa” sang đất Nga
Ngày 17/7, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố mục tiêu của nước này là “đẩy chiến tranh trở lại lãnh thổ Nga để đối phương “cảm nhận được chính điều do họ gây ra”.
Với tín hiệu đèn xanh từ Washington, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky mới đây kêu gọi Mỹ và châu Âu cung cấp thêm cho Ukraine tên lửa tầm xa hơn, đồng thời cho phép Kiev tập kích sâu vào lãnh thổ Nga.
Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, tướng Syrsky hối thúc Mỹ và EU cung cấp cho Ukraine thêm các hệ thống phòng không.
Cụ thể, Tổng tư lệnh Syrsky nói rằng những gói phòng không mới như hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, thiết bị đánh chặn UAV và máy bay hạng nhẹ để bắn hạ UAV có thể giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tập kích của Nga, còn tên lửa tầm trung và tầm xa, bao gồm hệ thống ATACMS của Mỹ và Taurus của Đức sẽ cho phép Ukraine làm chậm quá trình sản xuất vũ khí tại Nga bằng cách bắn phá cơ sở hạ tầng của Nga chuyên sản xuất tên lửa và UAV.
Tướng Syrsky nói những tên lửa như thế sẽ có tác dụng răn đe với đối phương.