Chuyển soạn văn học của Đỗ Anh Vũ: Một hướng thiên di

PGS.TS. Phùng Gia Thế | 13/12/2022, 20:55

Đỗ Anh Vũ được bạn văn thừa nhận là kẻ đa tài. Ngoài viết phê bình, tiểu luận, báo chí, anh còn sáng tác thơ, phổ nhạc và gần đây được biết đến như một cây bút chuyển soạn văn học độc đáo. Tác phẩm chuyển soạn của anh, chủ yếu từ truyện ngắn sang truyện thơ, bước đầu gây được tiếng vang với nhiều khám phá tìm tòi và bất ngờ thú vị.

Thực tiễn lịch sử sáng tạo văn chương cho thấy, việc viết ra một tác phẩm mới dựa trên một tác phẩm đã có là hiện tượng khá phổ biến. Ở đây xin không bàn đến vấn đề liên văn bản trong sáng tác hay hiện tượng “vay mượn”, “viết lại” vốn dĩ sẽ dẫn câu chuyện đi quá xa, mà chỉ dừng lại ở việc chuyển thể hay “chuyển soạn” (chữ dùng của Đỗ Anh Vũ) tác phẩm văn học dựa trên một tác phẩm có trước một cách có chủ ý.

Nhìn trên bình diện thể loại, việc chuyển soạn, chuyển thể này có thể từ thơ sang văn xuôi, từ truyện sang kịch bản, và phổ biến hơn là từ truyện sang truyện thơ. Trong ý nghĩa này, câu chuyện chuyển thể trong văn học hẳn không phải điều gì xa lạ. Bạn đọc hẳn còn nhớ, Nguyễn Nhược Pháp (1933), Huy Cận (1976) từng chuyển thể truyện dân gian "Sơn Tinh - Thủy Tinh" thành các tác phẩm thơ độc đáo, Nguyễn Bính đã thơ hóa truyện "Cây khế" bằng "Túi ba gang" (1965); nội dung truyện cổ tích "Nàng tiên ốc" được Phan Thị Thanh Nhàn viết lại trong bài thơ "Nàng tiên ốc" (1975)…

Trở lại việc chuyển thể của Đỗ Anh Vũ. Trước hết xin nói về mục đích, động cơ. Có thể nhận thấy, Đỗ Anh Vũ dường như không có tham vọng biến tác phẩm của mình thành một sản phẩm xuất sắc hơn văn bản gốc, mà chủ yếu để phục vụ mục tiêu giải trí, thư giãn. Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh đọc khá ảm đạm hiện nay, việc tác động vào nhu cầu giải trí, trong một không gian đọc đặc thù (chủ yếu trên facebook) tạo ra một hứng thú khá lớn, có thể xem là một hiệu ứng tích cực đối với bạn đọc văn chương.

Đỗ Anh Vũ có biệt tài chuyển soạn một cách tức thời, ngay tại chỗ tất cả mọi thứ thập cẩm trên đời, từ tin nhắn mời nhậu, đoạn quảng cáo bán nước mắm, dòng trạng thái và bình luận trên facebook… sang thơ. Dĩ nhiên, chuyển soạn trong văn học cần dụng công nhiều hơn thế. Ngoài mục tiêu giải trí, chuyển soạn ở đây còn nhắm đến mục tiêu tạo hứng thú đọc cho bạn đọc văn chương, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên. Khi đã hình dung một kiểu độc giả như thế, nhất là từ khi có ý định in ra, việc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ ngày càng trở nên chuyên nghiệp, văn bản được trau chuốt, hoàn chỉnh hơn nhiều về nội dung và hình thức.

Đọc văn bản chuyển soạn từ truyện ngắn sang truyện thơ của Đỗ Anh Vũ, bước đầu nhận thấy một số đặc điểm như sau.

Thứ nhất, tác giả là người hiểu rõ đặc trưng của mỗi thể loại văn chương, cả điểm “mạnh” và điểm “hạn chế” của nó (nhìn trên bình diện “ngôn ngữ thể loại”) nên đã chủ động lạ hóa văn bản gốc thông qua chuyển soạn. Từ đây, dù nội dung văn bản nguồn được giữ lại tối đa, song thế giới nghệ thuật của văn bản đích đã có những thay đổi cơ bản về hình tượng, nhân vật, không - thời gian, sự vật, ngôn ngữ và cấu trúc. Điều này cũng có nghĩa, khi trở thành truyện thơ, văn bản gốc đã có một hình hài, một đời sống khác. Về thị giác, việc trình bày truyện thơ hiển nhiên khác truyện ngắn. Về dung lượng, số lượng chữ trong văn bản chuyển soạn so với văn bản gốc được tiết giảm tối đa (chẳng hạn, văn bản gốc truyện "Chí Phèo" có hơn 12000 chữ; bản chuyển soạn chỉ còn 1581 chữ; "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân có 2707 chữ, bản chuyển soạn còn 770 chữ…). Có thể xem đây là một hình thức sáng tạo thú vị, một sự mời gọi đầy hấp dẫn để bạn đọc tiếp cận tác phẩm trong một tâm thế, một cách đọc mới. Điều này diễn ra trước hết ở bản thân tác giả chuyển soạn, tiếp theo là ở bạn đọc (chuyển soạn có cái được, cái mất song luôn gợi ra một hình dung khác về văn bản gốc).

Thứ hai, khi chuyển soạn, Đỗ Anh Vũ đã khéo chọn những truyện ngắn nổi tiếng đã và đang được giảng dạy, phân tích trong nhà trường phổ thông hay đại học ("Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, "Chí Phèo" của Nam Cao, "Vợ nhặt" của Kim Lân, "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài…), truyện ngắn của các tác giả đương đại được biết đến rộng rãi ("Muối của rừng", "Trương Chi" của Nguyễn Huy Thiệp, "Cơn mưa hoa mận trắng" của Phạm Duy Nghĩa...). Ở đây, việc chọn văn bản nguồn là những tác phẩm nổi tiếng gợi sự tò mò rất lớn cho bạn đọc. Tất nhiên, cũng không loại trừ trường hợp, khi đã có những thành công nhất định, việc chuyển soạn nói chung có thể gây thêm tiếng vang cho văn bản gốc, đặc biệt là đối với các văn bản chưa được nhiều người biết đến.

Thứ ba, Đỗ Anh Vũ vốn là một nhà thơ có tài ứng khẩu nên việc chuyển soạn được anh thực hiện rất nhanh, thời sự, tức thời. Chuyển soạn siêu tốc không chỉ diễn ra trong trường hợp chuyển truyện thành thơ, mà còn là đặc điểm chung trong chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ. Điều này dường như luôn tạo sự bất ngờ thú vị cho người đọc, khác với sự tỉ mẩn kỳ khu thái quá đôi khi làm mất đi tính thời sự, tính bất ngờ và đặc biệt là tính giải trí của văn bản chuyển soạn.

Thứ tư, nhìn trên phương diện giọng điệu, để tăng cường mục tiêu giải trí, văn bản chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ thường sử dụng ngôn ngữ hiện đại, dí dỏm, đôi khi pha chút hài hước, vui tươi, mặc dầu điều này có thể làm nhạt phai chút ít sắc thái thẩm mĩ của nhân vật trong văn bản gốc (chẳng hạn cái bi thường ít bi hơn). Bản thân việc chuyển thể ngôn ngữ văn xuôi sang ngôn ngữ thơ cũng khiến các tình tiết của truyện cũng trở nên nhẹ nhàng, mang màu sắc giải trí nhiều hơn.

Thứ năm, Đỗ Anh Vũ thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát trong chuyển soạn. Đây là những thể thơ truyền thống, quen thuộc, được dùng để thơ hóa các tác phẩm văn xuôi hiện đại nên gợi cảm giác vừa lạ, vừa quen. Hình thức lục bát, song thất lục bát nói chung dễ dọc, dễ nhớ. Không phải ngẫu nhiên, đọc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ, thấy anh rất chú trọng hiệp vần, điều này không chỉ diễn ra trong từng khổ thơ, mà từ khổ này nối sang khổ kia và trong toàn bộ tác phẩm. Giữa hai thể thơ, Đỗ Anh Vũ thường ưu tiên song thất lục bát hơn. Ở đây, âm hưởng, nhạc điệu và sự uyển chuyển của song thất lục bát tỏ ra phù hợp với nhịp điệu tự sự của anh.

Đỗ Anh Vũ dường như chỉ chuyển soạn những tác phẩm mà anh hứng thú. Về cách thức, Vũ cho biết, đầu tiên, anh đọc đoạn mở đầu của truyện rồi gọi vần cho các câu thơ. Theo Vũ, câu mở đầu có vai trò quan trọng đặc biệt, giúp anh khơi mạch xúc cảm, bắt được cái giọng, cái vía, cái thần của truyện ngắn, từ đó giúp tác giả đi tiếp, nhiều khi liền mạch cho đến hết bài. Ngược lại, nếu cứ loay hoay mãi không viết được câu mở đầu ưng ý, thì cũng có nghĩa là việc chuyển soạn tác phẩm đó bất thành.

Để làm rõ hơn tính hấp dẫn trong chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ, bài viết phân tích, đối sánh một số chi tiết trong tác phẩm của anh so với văn bản gốc.

Thứ nhất, về không gian, bối cảnh. Có thể nhận ra sự tinh tế của tác giả trong việc thơ hóa văn bản truyện. Chẳng hạn, đây là đoạn mở đầu truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam:

“Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.

Còn đây là đoạn Vũ chuyển soạn:

“Trống thu không trên chòi huyện nhỏ

Từng tiếng vang như rủ cô liêu

Phương tây rực lửa trời chiều

Than hồng từng đám mây hiu hiu tàn

Phất phơ một lũy tre làng

Như bao nét cắt in ngang nền trời

Giờ đã thật chiều rồi đấy nhỉ

Tiếng ếch theo gió nhẹ đưa vào

Cửa hàng tiếng muỗi xôn xao

Gợi niềm hiu quạnh tuôn trào tâm tư

Liên ngồi yên lặng đằng kia

Bên vài quả thuốc bốn bề sơn đen

Mắt Liên bóng tối ngập lên

Tâm hồn thấm thía một miền chiều quê

Lòng buồn man mác đôi khi

Ở trong thời khắc biệt ly ngày tàn”

Thứ hai, về diện mạo nhân vật. Có thể nói, cái khéo của Vũ là luôn giữ được những từ khóa cơ bản miêu tả nhân vật. Đây là đoạn miêu tả Chí Phèo trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao:

“Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”.

Đến văn bản chuyển soạn, Chí Phèo trở thành:

“Đầu trọc lốc, mắt gườm gườm

Ngực đầy chạm trổ phượng rồng rất ghê

Răng trắng hớn, mặt đen sì

Còn xăm ông tướng cầm chùy cánh tay”

Thứ ba, về hành động nhân vật. Ngoài sự tinh tế, nhiều khi, việc chuyển soạn còn thú vị ở chỗ tác giả luôn xen cài câu chữ hiện đại, dí dỏm mà vẫn bám được tương đối sát đặc tính thẩm mỹ của nhân vật. Đây là đoạn Vũ tả lại cảnh “thị” ngồi ăn bánh đúc trong truyện thơ "Vợ nhặt":

“Ả ngồi xuống măm măm thật lực

Bánh đúc ngon thỏa sức phang liền

Ăn xong bốn bát sướng điên

Nói rằng: “Chị thấy hụt tiền chết anh!”

(Văn bản gốc: “Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.”)

Về đoạn miêu tả tiếng chửi độc đáo của Chí Phèo trong truyện ngắn "Chí Phèo” của Nam Cao, Vũ chuyển thành thơ như sau:

"Chuyện về hắn, bao giờ cũng thế

Cứ rượu xong là tế vang trời

Chửi trời, chửi đất, chửi đời

Chửi luôn tất cả mọi người làng ta

Dân làng ai cũng nhủ là:

Thể nào nó cũng trừ ra mỗi mình

Thế thì tức chết, tức kinh

Chửi luôn những đứa làm thinh lúc này

Ngày nào cũng phải rượu say

Chửi luôn cái đứa đẻ mày Chí ơi

Ai đẻ hắn? Cứ hỏi trời

Cả làng Vũ Đại chẳng người nào hay…"

Còn đây là cách Vũ thơ hóa phân cảnh Chí Phèo, Thị Nở gặp nhau:

“Chí Phèo rón rén âm thầm

Từ từ ngồi xuống, ôm chầm thị luôn

Thị liền mở mắt, mở mồm:

“Buông ngay, tôi sẽ kêu làng, buông ngay

Chí Phèo cười giữa cơn say

Sở trường của bố mày đây: Kêu làng

Bỗng nhiên Thị Nở rộn ràng

Giúi lưng hắn xuống, sẵn sàng yêu nhau

Bây giờ chúng ngủ rất sâu

Sau khi làm việc nhiệm màu tình yêu…”

Trong truyện ngắn, phần kết thường gợi mở, ý vị sâu xa. Diễn dạt lại điều này bằng thơ thật không dễ chút nào. Tuy nhiên, đọc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ, bạn đọc vẫn có thể nhận ra nét tài tình, tài hoa của tác giả, chẳng hạn đây là đoạn kết truyện thơ "Vợ nhặt":

“Tràng ngồi đó, ngẩn trông, nghĩ ngợi

Thấy bao người nghèo đói kéo đi

Lá cờ chói đỏ trên đê

Việt Minh cướp thóc đem chia mọi người

Tay buông đũa, đứng dậy rồi

Lá cờ hòa với dòng người vẫn bay”…

Có thể nói, ngoài những lợi thế như rút gọn dung lượng văn bản, tạo hình ảnh thị giác mới, gợi mở không gian, tâm thế và cách đọc mới, việc “đổ khuôn” truyện thành thơ còn tạo ra những liên kết hình thức độc đáo trong cách gieo vần, nhịp điệu. Có lẽ đây cũng là những điểm thú vị của tác phẩm phái sinh có khả năng gọi mời độc giả tham gia vào việc đồng sáng tạo, đồng trải nghiệm. Trên thực tế, cùng với các truyện ngắn cổ điển, Đỗ Anh Vũ còn chuyển soạn thành công nhiều tản văn, truyện ngắn của các nhà văn đương đại như Đỗ Phấn, Trần Nhật Minh, Võ Hồng Thu...

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa cho biết anh rất hào hứng với việc Đỗ Anh Vũ thơ hóa “Cơn mưa hoa mận trắng” của anh, đặc biệt ấn tượng ở phần kết tác phẩm. Khoan hãy nói về những triển vọng sâu xa (việc đọc văn bản chuyển soạn đương nhiên không thay được việc đọc văn bản gốc), bản thân việc chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ cũng đã góp phần làm cho việc đọc văn học nói riêng, đời sống văn học nói chung thêm sinh động.

Gần đây trên một số diễn đàn văn học, đặc biệt là trên facebook thấy một số người tham gia chuyển soạn các tác phẩm văn xuôi, tin nhắn, sự kiện, bài báo… sang thơ, rất vui và thú vị, song có lẽ chưa ai thực hiện việc này vừa ngẫu hứng vừa hệ thống và tài hoa như Đỗ Anh Vũ./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất