Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành du lịch cần doanh nghiệp hợp lực và đi tiên phong

Hải Nam/VOV.VN | 15/04/2021, 18:42

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sự tiên phong, đổi mới của các doanh nghiệp du lịch sẽ giúp du lịch nội địa được đặt đúng vị trí vốn có, tạo động lực để toàn ngành sớm khôi phục trong bối cảnh bình thường mới.

Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề “Du lịch nội địa – động lực khôi phục Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra chiều nay (15/4) tại Ninh Bình, nhằm thảo luận các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.

Doanh nghiệp phải đi tiên phong

Trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động thì du lịch nội địa được coi là giải pháp, hướng đi tích cực để duy trì hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt,... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa.

Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, du lịch nội địa thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã có chủ trương phát triển thị trường này.

“Đại dịch Covid-19 xảy ra dẫn đến sự 'hẫng hụt' về lượng khách và doanh thu từ khách quốc tế, chúng ta mới nhận ra ngành du lịch chưa vững vàng, chưa ‘đi bằng hai chân’. Đây là thời điểm để toàn ngành nhìn nhận lại, tìm cách tiếp cận mới. Phải xác định du lịch là động lực, là giải pháp để làm nóng lại thị trường, bù đắp thiếu hụt về doanh thu, lợi nhuận” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Dẫn lại các số liệu về sự khó khăn của ngành du lịch, sự sụt giảm lượng khách nội địa tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng bây giờ là thời điểm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương tìm ra tiếng nói chung, chung tay chung sức để thúc đẩy du lịch nội địa.

“Các doanh nghiệp du lịch phải đi tiên phong để tác động vào thị trường nội địa, đưa du lịch nội địa trở thành sản phẩm chính, chủ đạo trong bối cảnh bình thường mới. Sự đồng thuận, liên kết của các doanh nghiệp chính là các ‘véc-tơ’ cùng chiều, tạo ra nguồn lực và bệ phóng lớn để đặt du lịch nội địa vào đúng vị trí vốn có” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Phát triển cân bằng “quốc tế - nội địa”

Nhiều năm qua, ngành du lịch thường lấy con số lượng khách, doanh thu từ thị trường quốc tế để làm thước đo mức độ hiệu quả, vì trên thực tế chi tiêu của khách quốc tế lớn hơn nhiều cho với mức chi trung bình của người Việt khi đi du lịch nội địa. Tuy nhiên, điều này sẽ phải thay đổi trong thời gian tới.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, với sự tăng trưởng cao về lượng, mức chi tiêu, thời gian chuyến đi và lưu trú, khách nội địa ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành du lịch Việt Nam. TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết “Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019 tăng lên 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 tỷ USD), tăng 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Thu từ khách nội địa chiếm khoảng 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành. Trong thời gian tới, rất có thể tỷ trọng đóng góp về doanh thu của du lịch nội địa sẽ tăng và vượt tỷ trọng của du lịch quốc tế”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị, các doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào thị trường khách quốc tế mà phải bắt đầu từ thị trường nội địa; vừa chú trọng phòng chống dịch bệnh nhưng cũng phải nghĩ phương án đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng, mở ra những sản phẩm mới. “Ai dám nói rằng nếu làm tốt dịch vụ cho khách nội địa thì không thu được nhiều tiền hơn du khách quốc tế? Vấn đề là đẳng cấp có xứng đáng với đồng tiền du khách bỏ ra hay không” – ông Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, người dân Việt Nam cũng cần được tiếp cận với những sản phẩm du lịch trên đất nước mình: “Ngành du lịch không thể bền vững nếu không được người dân ủng hộ. Rất nhiều du khách Việt có nhu cầu và khả năng chi trả cho những sản phẩm cao cấp. Dịch bệnh Covid-19 là cơ hội để các điểm đến Việt Nam được lan tỏa đến khắp tầng lớp nhân dân, vấn đề là các địa phương phải có thêm sản phẩm phục vụ các đối tượng khác nhau, đặc biệt là sản phẩm về đêm”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, trước tác động của Covid-19, doanh nghiệp này đã sớm cơ cấu lại thị trường, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn, xác định đối tượng khách du lịch tập trung vào người Việt Nam và những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

“Công ty đã mở rộng phạm vi của các tour khám phá TP.HCM, Hà Nội; xây dựng các tour liên kết vùng giữa các địa phương; cải tiến các tour dành cho khách quốc tế trước đây cho du khách Việt Nam với những trải nghiệm mới theo hành trình ‘Ta đi tour Tây’, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn với nguồn khách gần 100 triệu dân làm đòn bẩy trong hoạt động kinh doanh” - ông Nguyễn Hữu Y Yên cho biết./.

Bài liên quan
Du lịch nội địa xoay xở giữa "cơn bão" giá vé máy bay
Cứ dịp lễ Tết, câu chuyện giá vé máy bay nội địa lại làm "đau đầu" các doanh nghiệp du lịch và điểm đến trong nước. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm hè năm nay, trong bối cảnh một số hãng hàng không cắt giảm chuyến bay và giá vé có xu hướng tăng cao, các doanh nghiệp du lịch càng thêm lo lắng, tìm đủ cách để xoay xở.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất