Du lịch nước ngoài chiếm ưu thế
Trước thông tin dịp 30/4 - 1/5 được nghỉ 5 ngày, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Quận 8, TP.HCM) quyết định thay đổi kế hoạch du lịch và chuyển sang cân nhắc về tour Thành Đô – Cửu Trại Câu hoặc Thượng Hải – Bắc Kinh (Trung Quốc) cho cả gia đình. Theo chia sẻ của chị Thanh, trước đây khi chưa có thông tin nghỉ dài ngày, gia đình chỉ dự định đi du lịch tự túc các vùng biển lân cận TP.HCM như Mũi Né - Phan Thiết hoặc Nha Trang.
Khi được biết kỳ nghỉ kéo dài hơn, chị Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng đi du lịch nước ngoài sẽ hợp lý và tiết kiệm hơn du lịch trong nước: “Tôi dự định sẽ đi du lịch nước ngoài nên đang tham khảo tour Cửu Trại Câu hoặc Thượng Hải - Bắc Kinh (Trung Quốc). Do bây giờ giá vé máy bay trong nước khá cao so với đi quốc tế, mà thời gian nghỉ cũng dài nên sẽ tranh thủ đi nước ngoài. Còn du lịch trong nước tôi sẽ đi vào dịp nghỉ ngắn, lúc đó đi địa điểm nào cũng được. Tôi thấy dịp 30/4 này chi phí du lịch trong nước cũng xấp xỉ chi phí đi du lịch một số nước Đông Nam Á”.
Đang lên kế hoạch đi du lịch cùng nhóm bạn tại Côn Đảo vào kỳ nghỉ sắp tới, sinh viên Phan Thị Phúc (quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ sự lưỡng lự khi cân nhắc kế hoạch du lịch, bởi tham khảo giá tour Thái Lan và giá vé máy bay TP.HCM – Côn Đảo (có giá 2,9 triệu đồng/khách/chiều tại thời điểm viết bài).
Theo du khách này, từ TP.HCM, nếu thay thế đường bay bằng phương tiện đường bộ rồi tiếp tục đi đường thuỷ để đến Côn Đảo thì mất rất nhiều thời gian ngồi trên tàu, xe và không đảm bảo sức khỏe: “Có thể tôi sẽ cân nhắc lại, vì hiện tại giá vé bay trong nước khá cao. Còn giá tour nước ngoài thì tôi cảm nhận là giá rẻ hơn. Đi nước ngoài giá rẻ còn được di chuyển bằng máy bay thì sẽ tiết kiệm thời gian hơn, chứ nếu đi bằng đường bộ, đường thuỷ thì di chuyển lâu mà còn mệt nữa”.
Trước thực tế này, ông Phạm Anh Vũ - Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt cho biết từ sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch nước ngoài của người Việt khá rõ rệt. Dễ thấy nhất, trong số gần 1.000 khách đặt tour giữ chỗ tại công ty dịp Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2024 vừa qua, có đến 70% du khách lựa chọn đi tour nước ngoài.
Theo ông Vũ, giá tour du lịch đến các nước lân cận hiện có giá tương đồng với nhiều tour nội địa, nhưng sự hấp dẫn và chính sách tốt hơn nên thu hút được du khách: “Từ TP.HCM đi Hà Nội thì giá vé máy bay đã là 8 triệu đồng rồi. Tuy nhiên thì đối với một sản phẩm trọn gói đi Đài Loan (Trung Quốc) cùng với thời gian tương tự chỉ rơi vào khoảng 11 triệu đồng. Như vậy dễ hiểu sẽ có những phân vân. Sự dịch chuyển về lượng khách mà chúng tôi ghi nhận được, ước tính đến 70% du khách lựa chọn đi tour nước ngoài. Nhiều nhất là tour châu Âu, tiếp theo là các tour du lịch mùa hoa của Nhật Bản, Hàn Quốc. Tour Đài Loan (Trung Quốc) cũng khá thu hút khách Việt Nam”.
Doanh nghiệp tìm cách xoay xở
Chia sẻ với phóng viên VOV, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết việc một số hãng hàng không cắt giảm tàu bay, co hẹp đường bay khiến họ có ít sự lựa chọn hơn trước để phục vụ du khách. Ngoài ra, các đơn vị du lịch lữ hành giữ vé máy bay theo đoàn (series booking) cũng gặp những khó khăn khách quan.
Hiện nay giá vé máy bay chiếm phần lớn trong cấu thành chi phí một sản phẩm du lịch. Vì thế việc tăng trần giá vé máy bay thời gian qua và giá vé có xu hướng tăng cao vào những dịp cao điểm, đều có tác động, gây ảnh hưởng đến giá tour du lịch và cả quyết định đi tour của du khách.
Chuẩn bị cho cao điểm du lịch hè 2024, trước bối cảnh giá vé máy bay nội địa thiếu tính ổn định, các đơn vị lữ hành, du lịch đang "xoay xở" thiết kế sản phẩm bằng nhiều cách, sao cho phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Trong đó, phương án rút điểm tham quan hay giảm ngày đi tour cũng được các đơn vị dự trù để áp dụng.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông và Marketing Công ty TST Tourist cho biết đơn vị này đang xây dựng các sản phẩm tour ngắn ngày hơn. Đồng thời, điều tiết các điểm đến trong chương trình sao cho phù hợp với nhu cầu, năng lực tài chính của du khách.
“Chúng tôi đang tìm kiếm sự phối hợp với các đối tác, cũng như liên kết các hệ thống nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt trong quá trình xây dựng sản phẩm, chúng tôi phải kết hợp các phương tiện đi lại với nhau, bao gồm: phương tiện của đường bộ, đường sắt (tàu hoả) với đường hàng không. Không thể bỏ qua được phương tiện hàng không, nhưng chúng ta phải kết hợp làm sao cho hài hòa thời gian khách tham quan, thay vì chúng ta sử dụng quá nhiều cho việc di chuyển trên đường”, ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
Theo các doanh nghiệp, các dịp lễ Tết là "thời điểm vàng" để các điểm đến trong nước thu hút khách du lịch, phục hồi kinh tế. Thế nhưng, câu chuyện giá vé máy bay nội địa “leo thang” vào những dịp này đang là rào cản lớn, khiến du lịch nội địa rơi vào một nghịch lý: "Ngành du lịch nỗ lực thu hút khách quốc tế, còn nhiều du khách Việt lại chọn đi du lịch nước ngoài".