Tỉnh Vĩnh Long có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Thái Hòa/Báo Văn hóa | 26/02/2024, 12:00

Lễ hội Văn Thánh Miếu” và “Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long” của tỉnh Vĩnh Long vừa được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có bốn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di sản “Lễ hội Văn Thánh Miếu” thuộc lĩnh vực lễ hội truyền thống, địa bàn TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Theo hồ sơ di sản, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long do Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông chủ xướng xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, cụ thể là được khởi công xây dựng vào năm Tự Đức thứ 17 (Giáp Tý 1864) và hoàn thành vào năm Bính Dần 1866. Khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long có ý định phá bỏ Văn Thánh Miếu. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (tức Bá hộ Nọn) được Nhân dân đề cử đứng ra ngăn cản, nhờ vậy di tích này mới tồn tại cho đến ngày nay. 

Văn Thánh Miếu tuy danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là nơi hoạt động văn hóa, đề cao các bậc hiền tài và giáo dục lòng yêu nước. Văn Thánh miếu Vĩnh Long đã trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Tây Nam Kỳ, là nơi các sĩ phu, tao nhân mặc khách từ nhiều nơi quy tụ. 

Di tích Văn Thánh Miếu nằm cạnh bờ sông Long Hồ, một nhánh sông lớn của dòng sông Cổ Chiên, thuộc phường 4, TP Vĩnh Long. Trong năm, các lễ hội, sinh hoạt văn hóa diễn ra chủ yếu trong khuôn viên di tích với những hoạt động như đờn ca tài tử, hội thơ, học sinh đến thắp hương tri ân các bậc tiền nhân... Theo dòng chảy thời gian và bao cuộc biến thiên của xã hội, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn luôn được các thế hệ nối tiếp nhau phụng thờ và bảo vệ. Năm 1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây còn được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch văn hóa tiêu biểu. 

Hằng năm, tại Văn Thánh Miếu tổ chức bốn lễ hội chính gồm Lễ Xuân Ðinh (vía ngày mất Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh đầu tháng 2 âm lịch), Lễ Thu Ðinh (vía ngày sinh Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh cuối tháng 8 âm lịch), Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản (tổ chức vào ngày mùng 4 và 5.7 âm lịch) và Lễ giỗ các Quan Ðại Thần (tổ chức vào ngày 12 và 13.10 âm lịch). Các lễ hội tại Văn Thánh Miếu tỉnh Vĩnh Long mang nhiều giá trị văn hóa, truyền thống và có sức lan tỏa.

Với Nghệ thuật hát bội ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Vĩnh Long là địa phương có truyền thống hát bội ở Nam Bộ, với các gánh hát bội nức tiếng như Tân Phước Lập, Ðồng Thinh, gánh Bầu Luông (của gia đình NSND Thành Tôn), Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Ðây… cùng nhiều nghệ sĩ quê Vĩnh Long làm vang danh hát bội. 

Ðặc biệt, nhiều dòng họ ở Vĩnh Long có đến 3, 4 đời theo nghề hát bội như Bầu Răng, Vũ Linh Tâm… Tỉnh Vĩnh Long có nhiều nghệ nhân nghệ thuật hát bội được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như Huỳnh Văn Răng, Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Thị Yến Linh… Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có nhiều giải pháp bảo tồn di sản hát bội như tổ chức lớp truyền nghề, đưa vào trường học, phục vụ du lịch với sản phẩm nổi tiếng là “Ðốt đuốc lá dừa xem hát bội”.

Như vậy đến nay, tỉnh Vĩnh Long có bốn di sản phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn; Làng nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long. Toàn tỉnh có 66 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật, có một hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Bài liên quan
Nghề làm bột gạo Sa Đéc đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” vào tối ngày 26/4.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất