Quốc hội quyết nghị thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù cho Buôn Ma Thuột từ năm 2023

Thanh Hà/VOV.VN | 15/11/2022, 11:12

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nghị quyết gồm 8 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023 và được thực hiện trong 05 năm.

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 15/11, với 470/475 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nghị quyết gồm 8 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023 và được thực hiện trong 05 năm.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23.

Một trong những nhóm nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu trong quá trình thảo luận đó là vấn đề liên quan các chính sách ưu đãi thuế, thu hút chuyên gia. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi, mức ưu đãi, thời gian áp dụng, xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi và cần tăng cường quản lý thuế, tránh lợi dụng gây thất thu cho ngân sách.

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chính sách ưu đãi đầu tư trong Dự thảo Nghị quyết chỉ áp dụng đối với dự án mới (được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc những ngành, lĩnh vực cần thu hút theo định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67. Trong quá trình thẩm định, xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm chỉ đạo lấy ý kiến thẩm định đầy đủ của các cơ quan liên quan; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật, tránh lợi dụng chính sách.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng pháp luật để gian lận, trốn thuế, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị quyết này để có các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính ưu đãi.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; đề nghị cần có chính sách lâu dài, tạo môi trường, cơ chế phù hợp, kích thích hoạt động nghiên cứu và có chính sách đặc thù trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa đúng đắn chủ trương này nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực cho một khu vực còn nhiều hạn chế về chất lượng lao động và chính sách này cũng đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ. Ngoài những chính sách trực tiếp ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học tại Điều 5 Dự thảo Nghị quyết, điểm a khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong một số lĩnh vực cụ thể, thông qua chính sách thu hút doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đến thành phố Buôn Ma Thuột làm việc và sẽ có môi trường thuận lợi, cơ chế phù hợp, tăng cường hoạt động nghiên cứu, có tác động không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà còn có tính lan tỏa đối với cả vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang được triển khai để thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo dục, đào tạo, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhằm thể chế hóa Kết luận số 67 để tạo động lực cho Thành phố phát triển, tạo sự lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh Đắk Lắk, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách đặc thù của vùng Tây Nguyên theo tinh thần của Nghị quyết số 23 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đối với nội dung này.

Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại Dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với Nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả Vùng phát triển.

Cùng với đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ; mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ phạm vi chính sách thí điểm như Dự thảo Nghị quyết. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện. 

Tương tự, về ý kiến đề nghị cần có cơ chế đặc thù cho cả tỉnh Đắk Lắk, không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa Kết luận của Bộ Chính trị với mục tiêu, mục đích gắn với giải pháp cụ thể để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên. Đối với tỉnh Đắk Lắk sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách riêng về phát triển Vùng theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị./.

Bài liên quan
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Yên Bái tiếp xúc cử tri
Hôm nay, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ngãi, Yên Bái đã có cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất