Những nước cộng hòa bứt phá nhanh nhất sau khi Liên Xô tan rã

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (biên dịch) Theo Russian7 | 13/01/2022, 06:49

Ban lãnh đạo của nhiều nước cộng hòa muốn ly khai khỏi Liên Xô, tuy nhiên, “vụ ly hôn kiểu Liên Xô” đã đem lại những bất ngờ lớn. Các nước cộng hòa đã phải đối mặt với một loạt vấn đề và chỉ một số ít trong số đó có thể phát triển thành công nhờ nền độc lập.

Thực tế “không như mơ”

Trước khi tan rã, Liên Xô là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau “gã khổng lồ” Mỹ. Những người đứng đầu các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết hy vọng tiềm năng đó sẽ đủ để đảm bảo rằng các quốc gia của họ không thua kém về mặt kinh tế, ít nhất là đối với nông dân trung lưu châu Âu. Nền kinh tế của Ukraine có thể so sánh với nền kinh tế Đức về sản xuất thép, khai thác than, sản lượng ngũ cốc và thậm chí cả mức GDP.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm sau đó, Ukraine trở thành một trong những quốc gia lạc hậu nhất châu Âu. Ngày nay, không có tiêu chí cụ thể để có thể xác định quốc gia nào bứt phá nhanh sau khi Liên Xô sụp đổ, và quốc gia nào vẫn là kẻ thua cuộc. Đối với một số quốc gia, thước đo về sự thịnh vượng của nhà nước là quy mô của mức lương trung bình, thì đối với những quốc gia khác, đó là mức độ tự do dân chủ. Về tổng thể các chỉ số, người ta có thể kể tên những quốc gia mà sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có những bước tiến lớn.

Azerbaijan

Theo Giám đốc trung tâm phân tích Chiến lược-PRO, Cộng hòa Azerbaijan có thể nhanh chóng nổi lên, tập trung vào sản xuất hydrocacbon, cũng như phân phối lại thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Đóng một vai trò quan trọng trong việc này là Heydar Aliyev, người đã sử dụng kinh nghiệm quản lý của mình được tích lũy trong thời kỳ Xô viết. Nếu cách đây không lâu, mức sống của người Azerbaijan cao hơn mức sống của người Nga, thì bây tình hình giờ đã thay đổi ngược lại. Điều này được chứng minh bằng GDP của Azerbaijan là 3.782 USD tính theo đầu người.

Belarus

Belarus là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ duy nhất còn phụ thuộc phần nào vào các phương pháp kinh tế của Liên Xô, trong nước không có một nhà máy lớn nào bị đóng cửa - điều đã giúp đất nước Bạch Nga vượt qua những năm 1990 đầy khó khăn. GDP của Belarus hiện nay là 5.237 USD tính theo đầu người. Không phải là một con số tồi, vì Belarus hầu như không có nguyên liệu thô của riêng mình. Hỗ trợ chính của nền kinh tế Belarus là nông nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp ở Belarus thấp nhất châu Âu (0,9%).

Turkmenistan

Nguồn thu nhập chính của Turkmenistan là liên hợp dầu khí, nơi trở thành động lực của cải cách kinh tế với khẩu hiệu "10 năm ổn định". Các nhà chức trách của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này đã thực sự quan tâm đến công dân của họ - những người sau này được quyền sử dụng nước, muối, khí đốt và điện miễn phí. Giao thông vận tải đang phát triển nhanh chóng ở cộng hòa Turkmenistan độc lập. Mạng lưới đường sắt Turkmenistan đã tăng gấp đôi, thậm chí còn vươn xa tới tận Iran. GDP bình quân đầu người ở quốc gia Trung Á này là 6.818 USD.

Kazakhstan

Kazakhstan là một trong số ít các nước cộng hòa không bày tỏ nhiều mong muốn ly khai khỏi Liên Xô. Điều này có thể hiểu được vì nước cộng hòa này là nền kinh tế thứ ba ở Liên Xô sau Nga và Ukraine. Trong thời kỳ khó khăn hậu Xô viết, Kazakhstan đã có thể huy động các nguồn lực của mình, tập trung vào tăng trưởng sản xuất dầu và khí đốt (sản lượng khí tăng gấp 5 lần). Năm 2017, xét về GDP Kazakhstan đạt 7.418 USD bình quân theo đầu người.

Nga

Liên bang Nga là cơ sở tài nguyên chính cho nền kinh tế Liên Xô. Nga còn hùng mạnh hơn các nước cộng hòa anh em về công nghiệp, khoa học, chính trị và nhân sự. Xét về tiềm lực kinh tế, chỉ có Ukraine mới có thể so sánh với Nga. Nhưng trái ngược với Kiev, Moscow đã khắc phục hậu quả của sự phá hủy hệ thống thống nhất tương đối nhanh chóng và đến đầu những năm 2000, thậm chí còn cải thiện được các chỉ số về mức sống, cao hơn so với những năm cuối cùng của Liên bang Xô viết. Theo Trung tâm Phân tích và Dự báo Hệ thống, những tổn thất mà Nga phải gánh chịu sau sự tan rã của Liên Xô hầu hết nằm ở khía cạnh cảm xúc, tinh thần.

Trên thực tế, Nga đã có thể nhanh chóng khắc phục sự rạn nứt trong quan hệ hợp tác và tái tạo chu kỳ sản xuất tồn tại ở Liên Xô. Sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, Nga đã tìm thấy sức mạnh để lấy lại và gia tăng tiềm lực công nghiệp của mình, trước hết là công nghiệp quốc phòng, dầu khí, luyện kim màu và kim loại đen, cơ khí chế tạo. Trong năm 2018, Nga đã thanh toán xong các khoản nợ trị giá hàng tỷ USD của Liên Xô. Năm 2017, GDP bình quân theo đầu người của Nga là 8.660 USD.

Estonia

Xét về GDP bình quân đầu người, Estonia là nước dẫn đầu trong số các quốc gia hậu Xô viết với mức trung bình 19.349 USD. Sau 25 năm, đây là một trong những nước cộng hòa thịnh vượng nhất của Liên Xô. Estonia là một trong những quốc gia đầu tiên thuộc Liên Xô cũ quản lý để loại bỏ vấn đề thâm hụt hàng hóa, và nhờ vào chương trình cho vay có tính toán kỹ lưỡng, nhiều người Estonia đã rất nhanh chóng có thể chuyển sang sử dụng ô tô nước ngoài. Lĩnh vực xã hội cũng đã thay đổi đáng kể ở quốc gia vùng Baltic này. Giờ đây, trên các đường phố của các thành phố ở Estonia, người ta không thấy những tòa nhà tồi tàn hoặc đổ nát trong thời kỳ Xô viết.

Các chỉ số khác

Dưới đây là các quốc gia thành công nhất trong số các nước cộng hòa cũ của Liên Xô qua số liệu thống kê. Theo Ngân hàng Thế giới, về tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong 20 năm (1991-2011), 5 nước đứng đầu như sau: 1. Azerbaijan - 489%, 2. Turkmenistan - 311%, 3. Kazakhstan - 288 %, 4. Estonia - 270%, 5. Belarus - 265%. Nga chỉ đứng ở vị trí thứ 9 với chỉ số 205%, tức là mức GDP tăng hơn 2 lần một chút.

Mức tăng dân số của 5 quốc gia hậu Xô viết hàng đầu trong cùng những năm đó như sau: 1. Uzbekistan - 38%, 2. Turkmenistan - 37%, 3. Tajikistan - 29%, 4. Azerbaijan - 26%, 5. Kyrgyzstan - 23%. Công bằng mà nói, các chỉ số nhân khẩu học không phải lúc nào cũng phản ánh tình trạng thịnh vượng của quốc gia. Các nước dẫn đầu được dự đoán là các quốc gia Hồi giáo, nơi có tỷ lệ sinh cao theo truyền thống. Ở Nga, trong 20 năm qua, dân số đã giảm 3,7%.

Và đây là số liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế về mức lương trung bình trong năm 2017: 1. Estonia - 1.267 USD, 2. Nga - 1.215 USD, 3. Litva - 1.109 USD, 4. Latvia - 1.098 USD, 5. Belarus - 959 USD. Nga cũng là một trong nhóm những nước dẫn đầu./.

Bài liên quan
Thượng viện Mỹ thông qua gói viện trợ 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan
Thượng viện Mỹ vừa thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD nhằm hỗ trợ an ninh cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất