Mỹ, Nga và Ukraine đổi giọng
Cho đến nay, tất cả các bên trong cuộc xung đột đều giữ mục tiêu tối đa khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẽ không bắt đầu đàm phán cho đến khi tất cả quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine và biên giới năm 1991 của nước này được khôi phục.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà nước này đã sáp nhập và tiếp tục nhấn nhấn mạnh vào yêu cầu Ukraine không bao giờ gia nhập NATO. Ông cũng loại trừ khả năng trao đổi trực tiếp với ông Zelensky, người mà ông coi là "bất hợp pháp" bởi nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào năm ngoái trong thời gian thiết quân luật. Dù vậy, tuần này, Điện Kremlin cho biết họ sẵn sàng đàm phán với ông Zelensky.
"Ông Zelensky có vấn đề lớn về mặt pháp lý liên quan đến tính hợp pháp của mình nhưng ngay cả như vậy, phía Nga vẫn sẵn sàng đàm phán", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên hôm 5/2.
Tổng thống Zelensky cũng hạ giọng khi lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua nói rằng ông đã sẵn sàng gặp mặt trực tiếp ông Putin mặc dù trước đó, vào tháng 10/2022, ông đã ra sắc lệnh cấm đàm phán với nhà lãnh đạo Nga. Đáng ngạc nhiên là lập trường của Mỹ dường như đã tiến gần hơn với Nga sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận, thế giới đã trở thành một trật tự "đa cực".
Ngày 1/2, ông Rubio cho biết trật tự đa cực đang quay trở lại sau kỷ nguyên đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh, với các quốc gia như Trung Quốc và Nga một lần nữa đóng vai trò nhất định trong chính trị thế giới. Ông Rubio cũng gọi trật tự thế giới đơn cực là bất thường. Ông nhận định, Mỹ "đã trở thành một dạng chính phủ thế giới trong nhiều trường hợp khi cố gắng giải quyết mọi vấn đề" và "những điều khủng khiếp đang xảy ra trên thế giới".
"Cuối cùng, bạn sẽ quay lại thời điểm mà bạn có một thế giới đa cực với nhiều cường quốc ở các khu vực khác nhau trên hành tinh", ông Rubio nói.
Trong nhiều năm, Tổng thống Putin đã phàn nàn về trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và kêu gọi một trật tự đa cực thay thế - một nhận định được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ. Điện Kremlin cho biết họ hoan nghênh những phát biểu về thế giới đa cực của Ngoại trưởng Rubio.
"Điều này phù hợp với sự hiểu biết, tầm nhìn của chúng tôi và tầm nhìn của Tổng thống", ông Peskov cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ cũng gợi ý rằng ông sẽ thực hiện một đường lối thực dụng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về xung đột Ukraine và kêu gọi hai bên đưa ra những "nhượng bộ". Điều này được hiểu là ông Rubio tin rằng Ukraine sẽ phải nhượng bộ một số trong khoảng 20% lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Một thông tin rò rỉ từ Điện Kremlin vào cuối năm ngoái cho rằng điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt nhất định trong các cuộc đàm phán về lãnh thổ. Các chuyên gia đánh giá, khu vực do Ukraine kiểm soát ở Kursk của Nga có thể được sử dụng để đổi lấy vùng lãnh thổ do lực lượng Nga kiểm soát ở Donbass.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Kiev sẽ phải thừa nhận những "thực tế trên thực địa", được hiểu rộng ra là Nga có ý định giữ lại hầu hết các vùng đất mà nước này kiểm soát, bao gồm cả Crimea và hành lang trên đất liền nối Crimea với hầu hết 4 khu vực được Moscow sáp nhập năm 2022.
Trở ngại đàm phán
Một trở ngại khác cần vượt qua là ai sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán. Tổng thống Putin muốn có một cuộc đàm phán song phương giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky kêu gọi các cuộc đàm phán 4 bên, bao gồm cả Kiev và EU. Tuần trước, Tổng thống Putin nói rằng "còn quá sớm" để nói về các cuộc đàm phán 4 bên.
Một lịch trình đàm phán sơ bộ đã xuất hiện, bắt đầu bằng cuộc họp ở Ramstein của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào ngày 12/2 - sự kiện mà các bên cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine để củng cố vị thế đàm phán của Kiev trong các cuộc đàm phán với Moscow.
Từ ngày 14 - 16/2, ông Keith Kellogg - Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga dự kiến sẽ trình bày kế hoạch được mong đợi của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi chấm dứt xung đột trong vòng 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông. Hiện không có thông tin chi tiết nào về kế hoạch được công bố mặc dù đã có nhiều suy đoán về nội dung của kế hoạch. Sau Hội nghị Munich, ông Kellogg dự kiến sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Kiev để gặp ông Zelensky và các quan chức Ukraine.
Trong khi đó, ông Zelensky được cho là đang có kế hoạch thăm một số quốc gia vùng Vịnh sau Hội nghị Munich để củng cố sự ủng hộ của Ukraine tại Trung Đông.
Ông Kellogg đã ám chỉ rằng Mỹ muốn thấy các cuộc bầu cử được tổ chức tại Ukraine sau lệnh ngừng bắn, trong khi ông Trump chỉ ra rằng việc tiếp cận các mỏ đất hiếm quan trọng của Ukraine có thể là một phần của thỏa thuận để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ.
Kế hoạch ngừng bắn
Các cuộc đàm phán ngừng bắn sắp tới sẽ là nỗ lực thứ ba nhằm chấm dứt xung đột. Thỏa thuận hòa bình Istanbul thất bại năm 2022 được tiếp nối bằng một nỗ lực thăm dò vào tháng 8/2024 với các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian nhằm chấm dứt việc Nga ném bom các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã nhanh chóng bị hủy bỏ sau cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk trong cùng tháng đó. Hy vọng về các cuộc đàm phán đã tăng lên vào giữa năm 2024 và ông Zelensky nhiều lần nói rằng ông hy vọng sẽ chấm dứt xung đột.
Trong khi đó, trước nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt giao tranh, Kiev đã rơi vào tình trạng bấp bênh vì sự mức độ hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn chưa rõ ràng. Thiếu ngân sách, việc chuyển giao vũ khí bị chậm trễ và yêu cầu về các thỏa thuận khai thác mỏ là những vấn đề nổi bật khi ông Zelensky vận động Nhà Trắng tiếp tục hỗ trợ hết mình, giữa bối cảnh phòng tuyến của Ukraine ở Donbass đang sụp đổ dần.
Kiev cho biết, các cuộc đàm phán với Nhà Trắng đang ở giai đoạn "tích cực" nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được về các gói hỗ trợ quân sự mới. Các báo cáo cho biết ông Trump tạm thời cắt đứt việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine khi những tranh luận về vấn đề này trong nội bộ Nhà Trắng vẫn chưa ngã ngũ.
"Sự hỗ trợ của Mỹ chưa dừng lại. Nó vẫn tiếp tục và tôi biết ơn Mỹ vì điều này. Tất nhiên, chúng tôi chưa nói về các gói hỗ trợ mới và vẫn còn quá sớm để thảo luận về điều đó", ông Zelensky phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh David Lammy hôm 5/2.
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào sự xuất hiện của ông Kellogg tại Munich và các chi tiết trong kế hoạch chấm dứt xung đột của chính quyền ông Trump. Trong số các nội dung của kế hoạch, dự kiến sẽ có việc đóng băng xung đột và cung cấp các đảm bảo an ninh không xác định cho Ukraine với tình trạng các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát còn lấp lửng.
Tổng thống Zelensky trước đây nói rằng tư cách thành viên NATO cho Ukraine là lựa chọn phù hợp và là đảm bảo an ninh đáng tin cậy nhất. Ông cũng cho biết ông sẽ chấp nhận tư cách thành viên "một phần", trong đó chỉ các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát mới được đưa vào thỏa thuận an ninh. Tuy nhiên, cho đến nay, các đồng minh của Ukraine vẫn chưa muốn cung cấp cho nước này các thỏa thuận an ninh cụ thể.
Tuần này, Tổng thống Ukraine cho biết nếu phương Tây không muốn đưa Ukraine vào NATO thì Kiev nên được cung cấp vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các cuộc tấn công tương lai từ Nga.