Bảo tồn văn hóa Ba Na qua mô hình du lịch cộng đồng Mơhra-Đáp ở Gia Lai

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên | 08/02/2025, 11:18

Nằm giữa những dãy núi hùng vĩ của huyện Kbang (Gia Lai), làng Mơhra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng đang là điểm đến ngày càng hấp dẫn với mô hình du lịch cộng đồng độc đáo. Tại đây, văn hóa truyền thống của người Ba Na được bảo tồn và phát huy một cách tự nhiên, tạo nên sức hút đặc biệt với du khách.

Dưới ánh nắng sớm mai của những ngày đầu năm mới, già làng Đinh Chuyên làng Mơhra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tỉ mẩn chỉnh âm cho bộ cồng chiêng cổ của làng. Già làng cho biết, những chiếc chiêng này đã gắn bó với làng hơn trăm năm, là báu vật được cha ông truyền lại. Mỗi sáng, ông đều dành thời gian luyện tập cùng hai đội chiêng trong làng, đặc biệt là nhóm thanh niên trẻ để phục vụ du khách gần xa dịp xuân về.

"Tất cả bà con Ba Na nơi đây thành tâm thành ý cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con được phát triển du lịch cộng đồng, công việc mà trước đây chúng tôi hoàn toàn chưa biết đến. Hiện nay, khi du lịch đã có thì tôi cố gắng chỉ bảo con cháu về đánh cồng chiêng cho nhuần nhuyễn để phục vụ du khách và giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đây, tôi cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho địa phương làm nhà rông, để vừa phục vụ du lịch và giữ văn hóa nhà rông của bà con Ba Na", già làng Đinh Chuyên cho biết.

Làng Mơhra-Đáp có 226 hộ, 874 khẩu, trong đó 96% dân số là người Ba Na. Nếu như trước đây, người dân của làng chỉ quen với công việc đồng áng, lên nương rẫy thì vài năm trở lại đây, bà con đã tiếp cận và làm quen với công việc khá mới mẻ: Làm du lịch ngay tại buôn làng mình.

Mô hình du lịch cộng đồng này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn khiến họ hiểu rằng có thể kiếm sống bằng chính văn hóa của cha ông truyền lại. Từ việc phát triển du lịch, thanh niên nam nữ trong làng còn tiếp nối nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm của cha ông và nhiều người biết làm các loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, t’rưng, k’ni, klông put. Đặc biệt, để phát triển du lịch, bà con nơi đây đã được tham gia lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng do huyện tổ chức. Từ đó, ứng dụng hiệu quả trong việc phát triển du lịch cộng đồng.

Anh Đinh Phớt - người dân của làng cho biết: "Sau khi có kế hoạch làm du lịch cộng đồng thì từ già làng đến bà con trong làng rất phấn khởi, từ đó làng có thành lập một đội cồng chiêng, một đội dệt vải, một nhóm điêu khắc và một nhóm chuyên đưa đón khách du lịch đến tham quan. Tất cả công việc về du lịch chúng tôi đều học hỏi từ nơi khác. Các sản phẩm du lịch đã tăng thu nhập cho bà con".

Mô hình du lịch cộng đồng tại Mơhra-Đáp mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách thông qua các hoạt động như: thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng, tìm hiểu sử thi, trải nghiệm dệt thổ cẩm và thưởng thức ẩm thực dân tộc.

Anh Đặng Ngọc Huy, du khách từ TP.HCM đánh giá cao tính nguyên bản trong văn hóa của làng: “Trong khi những nơi khác cố gắng phục dựng trở lại thì ở đây còn nguyên giá trị, người dân ở đây thay đổi để vừa có thể bảo tồn được giá trị văn hóa của dân tộc mình, vừa có thể có những giá trị, tiêu chuẩn phù hợp để phục vụ cho khách du lịch trong tương lai”.

Nhận thấy tiềm năng phát triển, UBND huyện Kbang đã đưa Mơhra-Đáp vào kế hoạch đầu tư trọng điểm với việc xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái trong cộng đồng dân tộc Ba Na. Dự án này nằm trong khuôn khổ Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Tấn Thành - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai đề xuất: “Để mô hình du lịch cộng đồng phát triển trên địa bàn tỉnh dễ làm, dễ thực hiện thì UBND tỉnh và UBND huyện nên đánh giá lại mô hình làng du lịch cộng đồng Mơhra-Đáp xem trong quá trình hoạt động có những ưu điểm và hạn chế gì, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá để hoàn thiện lại quy trình của mô hình này".

Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, làng Mơhra-Đáp đang dần trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch cộng đồng của Tây Nguyên. Đây không chỉ là nơi du khách tìm đến để khám phá văn hóa Ba Na mà còn là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch bền vững.

Bài liên quan
Mùa xuân mới tại làng du lịch cộng đồng Yên Đức
VOVLIVE - Xuân 2025, làng du lịch cộng đồng Yên Đức, thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đón năm mới trong diện mạo tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Sau bão số 3, Yên Đức thiệt hại nặng nề nhưng người dân nơi đây đã chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn để đón khách dịp đầu năm mới 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chính phủ điều chỉnh tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên
Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cho biết, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Mới nhất