Nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội, thiếu việc làm

Nguyễn Trang/VOV.VN | 01/12/2022, 16:47

Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.

Nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12), sáng nay (1/12), tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH tổ chức "Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật".

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, ngày 3/12 hàng năm là ngày Quốc tế người khuyết tật, nhằm cổ vũ, thúc đẩy, kêu gọi thế giới hướng về những người thiệt thòi, khó khăn do tình trạng khuyết tật và cùng chung tay cho mục tiêu “một xã hội không rào cản".

Mỗi năm với một chủ đề khác nhau, ngày 3/12 trở thành thời điểm mỗi chúng ta không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm, mà còn mang lại sự chia sẻ, tình cảm ấm áp cho người khuyết tật trên toàn thế giới. Chủ đề của Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay là “Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật người khuyết tật và các Luật chuyên ngành.

Đến nay cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc. Giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cũng đặc biệt quan tâm giai đoạn 2012- 2022, bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%.

Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, giai đoạn từ 2012 - 2020, ước tính có khoảng gần 39 ngàn người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, v.v… Các chính sách khác như: miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí vẫn được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái bình dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh, song điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm,… để phù hợp với Công ước và thực tiễn.

Tại diễn đàn, các đơn vị, người khuyết tật đã có ý kiến về thực hiện quyền người khuyết tật, nhất là vấn đề học nghề, dạy nghề, việc làm; người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội…. Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội chia sẻ, thời gian gần đây, chính sách hỗ trợ người khuyết tật thay đổi từ hỗ trợ từ thiện sang hỗ trợ xã hội, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đối với đô thị, nhiều công trình giao thông công cộng, chung cư vẫn khó cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Do đó, cơ quan chức năng cần lưu ý khi thẩm tra, phê duyệt dự án./.

Bài liên quan
NSND Thanh Lam đội mưa, lội bùn tham gia chương trình vì người nghèo
Đội bùn, lội mưa, mang dép tổ ong tham gia chương trình, NSND Thanh Lam vẫn vui vẻ “đội mưa để làm vì các em nhỏ, vì một thế hệ tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất