Nga tiết lộ năng lực “phòng thủ hành tinh” của tên lửa RS-28 Sarmat

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Eurasian Times | 29/11/2022, 07:36

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat của Nga có thể được sử dụng để phòng thủ hành tinh nếu cần thiết, Giám đốc Cục Thiết kế VP Makeev, ông Vladimir Degtyar, cho biết.

Thông tin được Nga tiết lộ trong bối cảnh, ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), NASA thông báo tàu vũ trụ tham gia chương trình DART đã hoàn thành sứ mệnh đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos khi nó cách Trái Đất 11 triệu km. Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ của NASA đâm thành công vào tiểu hành trong không gian.

Theo ông Degtyar, tên lửa Sarmat ban đầu được thiết kế và phát triển cho mục đích quân sự. Mục đích “chống tiểu hành tinh” của nó chỉ là vai trò phụ do chi phí quá cao và có thể lãng phí vì khả năng xảy ra va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái Đất là rất thấp.

RS-28 Sarmat là ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng hạng nặng phóng từ silo, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Theo truyền thông Nga, Sarmat có thể đưa nhiều phương tiện tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV) nặng tới 10 tấn tới bất kỳ đâu trên thế giới. Điều này khiến Sarmat trở thành tên lửa “nguy hiểm nhất” hành tinh.

Theo thông tin được công bố trong triển lãm Army-2019, tầm bắn của ICBM Sarmat là 18.000 km, trọng lượng phóng hơn 200 tấn, trong đó nhiên liệu chiếm 178 tấn.

Sarmat có đường kính 3 mét và dài 35,5 mét. Theo truyền thông Nga, yếu tố khiến Sarmat trở thành loại tên lửa độc nhất vô nhị là nhờ tốc độ và tầm bắn chưa từng có, độ chính xác vượt trội và khả năng chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.

“Sát thủ tiểu hành tinh”?

Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, ông Sergei Karakaev, trong một cuộc phỏng vấn trước đây với kênh Zvezda nói rằng Sarmat có thể được phóng theo nhiều quỹ đạo khác nhau. Một trong số đó là quỹ đạo hướng ra không gian bên ngoài. Trong trường hợp này, Sarmat có thể được sử dụng để làm chệch hướng tiểu hành tinh hay phòng thủ hành tinh.

Theo ông Degtyar, khả năng làm chệch hướng tiểu hành tinh của tên lửa Sarmat đã từng được thảo luận trong giới khoa học không gian và quốc phòng Nga.

Nga hiện đang thực hiện các nghiên cứu thiết kế cho một “thiết bị đánh chặn” có thể nhắm mục tiêu vào các vật thể không gian cỡ nhỏ (đường kính từ 10-100 mét).

Cơ sở hạ tầng không gian trên mặt đất hiện tại và sắp tới của Nga có thể theo dõi các vật thể lớn hơn chứ không phải các vật thể nhỏ hơn, giúp việc kịp thời phát hiện nguy cơ đóng vai trò quan trọng. Khoảng thời gian phát hiện kịp thời là khoảng 5-7 giờ trước khi va chạm có thể xảy ra, lúc này vật thể cách Trái Đất 1-2 triệu km.

Do đó, năng lượng cao, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao và thời gian chuẩn bị phóng ngắn khiến tên lửa Sarmat phù hợp với vai trò như vậy.

Ông Degtyar nói rằng khoa học vũ trụ và tên lửa đã thiết lập các nguyên tắc và kỹ thuật để phát hiện kịp thời các vật thể không gian nguy hiểm. “Trở ngại” duy nhất là chi phí quá cao.

“Chúng tôi đã đề xuất các hệ thống tên lửa và không gian đa chức năng, trong đó bảo vệ chống tiểu hành tinh chỉ là một trong những nhiệm vụ, chứ không phải là nhiệm vụ quan trọng nhất”, ông nói.

“Các nghiên cứu của chúng tôi với các đồng nghiệp làm việc trong các tổ chức học thuật đã chỉ ra rằng, có thể tạo ra các công cụ phát hiện triển khai trên không gian để ‘giám sát’ các khoảng không gian gần Trái Đất. Một lựa chọn là đặt 4 tàu vũ trụ ở Điểm Lagrange cách Trái Đất 1,5 triệu km. Tuy nhiên, việc tạo ra một hệ thống như vậy cần những khoản đầu tư khổng lồ và có thể không bao giờ thực sự hữu ích”, ông Degtyar cho biết thêm.

Khả năng tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất rất khó xảy ra

Ông Degtyar cũng đề cập đến các sự kiện tiểu hành tinh hoặc thiên thạch rơi xuống nước Nga trước đây, ví dụ như thiên thạch Chelyabinsk rơi ngày 15/2/2013, Tunguska evet rơi ngày 30/6/1908 và vụ thiên thạch Sikhote-Alin rơi vào năm 1947. Những sự việc này cho thấy nguy cơ tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất là “mối đe dọa thực sự”.

Một tiểu hành tinh hoặc sao chổi có đường kính trên 140 mét đến gần Trái Đất ở khoảng cách nhỏ hơn 5% so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời được gọi là “vật thể có khả năng gây nguy hiểm” (PHO).

Theo NASA, không có PHO nào được ước tính sẽ va chạm với Trái Đất trong 100 năm tới.

Ngày 19/11, các kính viễn vọng và cơ quan vũ trụ đã theo dõi một tiểu hành tinh trong vòng 4 giờ kể từ khi nó được phát hiện. Tuy nhiên, tiểu hành tinh này đã bị đốt cháy và tan rã khi đi vào bầu khí quyển của Trái Đất./. 

Bài liên quan
Nga có thể phóng thử ICBM Sarmat lần thứ hai vào cuối năm nay
Nga có thể tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat lần thứ hai trước cuối năm 2022, một quan chức thân cận với Bộ Quốc phòng nước này nói với TASS.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra hùng tráng, trang trọng vào sáng nay (7/5) tại Sân vận động tỉnh Điện Biên (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ).
  • Lo lãi suất tăng, người mua nhà vội vã xuống tiền
    Đã có ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà ngay khi hết quý đầu năm, người có nhu cầu mua nhà để ở đang mạnh tay xuống tiền khi giá khó hạ thêm.
  • Ngày vui nhất sau 70 năm của đồng bào Tây Bắc
    Dù trời đổ mưa lớn trong sáng ngày kỷ niệm nhưng không cản nổi không khí ngày hội lớn trên các con phố của thành phố Điện Biên Phủ, đồng bào khắp vùng Tây Bắc đã về đây, cùng cờ hoa đón mừng đoàn quân diễu binh, diễu hành.
  • Hải quân Nhân dân Việt Nam - 69 năm một lòng giữ biển
    VOVLIVE - 69 năm một lòng giữ biển, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trở thành Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, với đầy đủ các thành phần lực lượng, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Mới nhất