Vậy, liệu những thứ này có phải là “thần dược” giúp cho những bác tài tỉnh táo mỗi đêm chạy xe đường trường?
Phóng viên VOV Giao Thông đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng - Giảng viên Trung tâm Giáo dục Y học, Đại học Y dược TP.HCM để tìm kiếm những giải pháp giúp những bác tài có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ và sử dụng các biện pháp hiệu quả để tỉnh táo giúp lái xe một cách an toàn.
Thừa cân có nguy cơ cao rối loạn giấc ngủ
PV: Cơ duyên nào đưa bác sĩ đến với lĩnh vực giấc ngủ?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng: Vào năm 2010 bắt đầu làm việc trong lĩnh vực hô hấp, ở Việt Nam chưa có nơi nào điều trị về các bệnh giấc ngủ. Sau đó thầy mình học về và triển khai các vấn đề về bệnh lý giấc ngủ tại phòng khám mình mới bắt đầu làm việc về bệnh lý giấc ngủ.
Càng làm càng thích thú vì khi điều trị giúp bệnh nhân cải thiện giấc ngủ tốt cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn.
PV: Một người trưởng thành thường sẽ ngủ bao nhiêu giờ là đủ?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng: Người trưởng thành cần phải ngủ ít nhất khoảng 7 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Và khi người ta đi vào giấc ngủ thì đầu tiên đi vào giấc ngủ nông ở giai đoạn N1, N2, N3 rồi sau đó đi vào giấc ngủ sâu, cái này còn gọi là pha nông REM. Pha thứ hai là giai đoạn giấc ngủ REM hay còn gọi giai đoạn giấc ngủ mơ, cơ thể của con người sẽ trải qua 1 chu kỳ và nó sẽ có khoảng 90 -120 phút.
Nếu như bị thiếu 2 giấc ngủ này, tức chỉ ngủ nông không đủ sâu hoặc không ngủ được REM thì sẽ gây ra tình trạng buồn ngủ và thiếu ngủ. Ví dụ một đêm mình ngủ ít hơn 6 tiếng sẽ buộc ta phải ngủ bù vào ngày hôm sau.
Người ta thiếu giấc ngủ REM thì người ta sẽ cần phải giấc ngủ REM và lỡ thiếu giấc ngủ sâu sẽ bù giấc ngủ sâu. Và nếu lỡ vào giấc ngủ REM vào đầu tiên sẽ bị tình trạng là bóng đè. Thiếu ngủ REM có thể gây ra nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa…
PV: Vậy như thế nào được coi là rối loạn giấc ngủ?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng: Rối loạn giấc ngủ có nhiều kiểu, thứ nhất là khó đi vào giấc ngủ, thứ hai là thức giấc giữa đêm nhiều và thứ ba là thức giấc quá sớm. Nhiều lúc nằm trằn trọc trên giường rất nhiều nhưng thời gian ngủ bị thiếu và không đủ.
Thứ 2, trường hợp thức giấc giữa đêm là hiện tượng ngủ nhưng chập chờn, thức dậy và bị gián đoạn nhiều không đi sâu vào giấc ngủ. Thứ 3, là thức giấc quá sớm vào buổi sớm, đáng lẽ phải ngủ đến 5-6 giờ sáng thì khoảng 3 giờ sáng đã dậy, thời gian ngủ ngắn lại rồi dẫn đến ban ngày thiếu ngủ.
Như vậy rối loạn giấc ngủ gây ra cây chuyện rằng là người ta sẽ buồn ngủ rất nhiều vào ban ngày vì giấc ngủ ban đêm của họ không tốt. Nó ảnh hưởng rất nhiều, họ sẽ không có tập trung làm việc được. Họ sẽ bị tình trạng là ví dụ đang vận hành máy móc hoặc tàu xe hoặc là đang đi xe có thể ngủ gật ngay trên đường, gây tai nạn giao thông… đó là những vấn đề liên quan rất là nghiêm trọng.
Ở nước ngoài cho ta thấy rằng, những tài xế bị chứng rối loạn giấc ngủ, buồn ngủ vận hành tàu xe xảy ra tai nạn là nhiều nhất, đặc biệt những người bị ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Chuyện gây ra rất nghiệm trọng, ban đêm ngủ ngáy rồi ngưng thở khi ngủ, lúc chuyển sang ban ngày họ sẽ buồn ngủ và ngủ gật trong lúc lái xe dẫn đến tai nạn.
PV: Có nghiên cứu nào ở nước ta cụ thể, rõ ràng hơn về việc này không?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng: Hiện tại các nghiên cứu cụ thể chưa có đánh giá về vấn đề này, song có thể nhìn nhận một cách đơn giản bằng chỉ số cân nặng, thừa cân là một dấu hiệu.
Ví dụ đơn giản, BMI (chỉ số cân nặng người) bằng công thức BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2] từ 25 trở lên là có nguy cơ ngưng thở, rồi những người bị béo, thừa cân cộng ngủ ngáy có nguy cơ buồn ngủ trong quá trình lái xe.
Những tài xế có tướng người rất to béo khi vận hành các tuyến xe đường dài là những người có nguy cơ rất cao gây tai nạn. Những vụ tai nạn thường xuyên gần như liên quan đến yếu tố này nếu chúng ta truy cứu lại những người gây tai nạn thường nằm số đó là chính.
Thứ hai, những nhóm đối tượng không ngủ đủ vì phải vận hành máy móc, lái xe liên tục nhiều giờ một đêm và không có người để thay ca.Thời gian ngủ ngắn quá, không có đủ thời gian nghỉ ngơi – họ vẫn buồn ngủ và dẫn đến tai nạn. Đó là 2 nguy cơ cao nhất.
Trà, cà phê, nước tăng lực không phải là thần dược
PV: Thường những người làm đêm, vận hành máy móc, và đặc biệt lái xe dùng chất kích thích, cà phê, trà để chống buồn ngủ. Vậy đó có thực sự là giải pháp?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng: Tại sao tài xế hay sử dụng các chất kích thích và tại sao họ hay dùng các nước tăng lực để tỉnh táo? Nó có lý do. Thứ nhất tài xế họ sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, đặc biệt là nước tăng lực…
Bởi vì, đa số tài xế bị rối loạn jetlag, còn được gọi là hội chứng thay đổi múi giờ xảy ra khi mọi người di chuyển nhanh qua các khu vực chênh lệch múi giờ và gây ra các rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi,… Họ bị làm việc theo ca kíp, lẽ ra ban đêm mới được ngủ thì thức chạy xe, rồi ban ngày thay đổi giờ giấc ngủ khiến cho sự duy trì tỉnh táo không tốt.
Đó là lý do làm cho người buồn ngủ nhiều, buộc họ phải dùng chất kích thích. Đáng lẽ ban đêm được ngủ thì phải thức để chạy xe nên dẫn tới hút thuốc lá nhiều, uống cà phê nhiều, thậm chí có thể sử dụng những chất kích thích như chất gây nghiện để tỉnh táo hơn, hưng phấn hơn, bên cạnh dùng rất nhiều nước tăng lực.
Trong nước tăng lực, có nhiều chất kích thích để giúp tỉnh táo, nếu dùng nhiều sẽ gây ra hậu quả gây hại cho sức khỏe. Ví dụ với chất kích thích càng lạm dụng nhiều dần sẽ tăng đô, và hệ quả là gây ra những ảo giác rất nguy hiểm, người tài xế từ đó cũng dễ gây tai nạn.
Riêng nước tăng lực sẽ có rất nhiều chất không tốt, cứ uống liên tục nó làm người ta tăng cân nhiều, rối loạn chuyển hóa bị tiểu đường. Khi lạm dụng nhiều chất đường, người tài xế thường bị các rối loạn khác của cơ thể…. Những việc đó cũng gây nguy hiểm về lâu dài.
PV: Vậy giải pháp khắc phục tình trạng này ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng: Đối với tài xế việc đầu tiên họ cần có hoạt động tốt về thể chất. Thứ nhất, về sức khỏe phải đảm bảo không được dư cân. Vì người ngồi trên xe hoài không có thời gian vận động, ăn uống thất thường sẽ lên cân rất nhiều. Dư cân sẽ dẫn đến ngủ ngáy và ngưng thở sẽ làm họ thiếu ngủ.
Cái thứ hai họ không được sử dụng các chất kích thích một cách vô tội vạ như hiện tại và chọn biện pháp khác tốt hơn để tỉnh táo. Để xác định rằng những tài xế có nguy cơ bị các chứng rối loạn giấc ngủ.
Thứ nhất nên kiểm tra sức khỏe đầu tiên về vấn đề về cân nặng. Hiện giờ có các chương trình tầm soát các vấn đề ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, nên đi đo về giấc ngủ để biết mức độ ngưng thở và ngáy thế nào để có giải pháp điều trị kịp thời.
Mình chạy xe quá thời gian cho phép thì phải có thời gian để nghỉ. Tức một đêm, một ngày cần phải ngủ ít nhất 7 tiếng đồng hồ. Và phải ngủ có hiệu quả, có nghĩa là môi trường ngủ một cách yên tĩnh, ngủ tốt thì mới hồi phục được sức khỏe giúp mình tỉnh táo để chạy xe tiếp được.
Thứ hai, trong lúc vận hành máy móc, lái xe cần sử dụng các công cụ, phương tiện hỗ trợ để tỉnh táo. Ví dụ, trong khoang lái phải bật đèn cho sáng để cabin sáng có ánh sáng giúp người vận hành hay tài xế tỉnh táo.
Và có thể sử dụng một vài thực phẩm như cà phê, trà để tăng sự tỉnh táo mà ít nguy hại sức khỏe. Đồng thời phải có chế độ ăn điều độ, đầy đủ duy trì cơ thể khỏe mạnh, mới làm việc chất lượng và an toàn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!