“Một người ốm không có BHYT, nguy cơ cả gia đình rơi vào bẫy nghèo"

Minh Khánh/VOV.VN | 27/10/2021, 17:36

Thực tế một bộ phận không nhỏ người dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số, dù điều kiện kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khả năng tài chính để mua thẻ BHYT một lần cho tất cả mọi người trong gia đình là khó thực hiện.

Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho rằng, về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được Nhà nước đóng 100 % kinh phí bảo hiểm y tế và không phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chính sách này đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận không nhỏ người dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số, dù điều kiện kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khả năng tài chính để mua thẻ một lần cho tất cả mọi người trong gia đình là khó thực hiện. Khả năng tự tham gia chính sách bảo hiểm y tế rất thấp với giá viện phí như hiện nay.

“Một người ốm không có bảo hiểm y tế là cả gia đình có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo. Tôi kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cho người dân thuộc các xã khu vực 2 khu vực 3 giai đoạn 2016-2020 hiện nay đã chuyển về xã khu vực 1 theo Quyết định số 681 được tiếp tục thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế đến hết ngày 31/12/2021 và đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách từ năm 2022 trở đi, các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi sau khi được địa phương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tức là chuyển sang vùng 1 thì được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ít nhất 1 năm”- đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết.

Cũng theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), thực tế hiện nay, tại các xã đã về đích nông thôn mới, đối tượng nghèo còn rất nhiều, họ không thể tự bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế. Điều này sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân các tỉnh miền núi. Vì vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị Chính phủ xem xét và cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đối tượng này đến hết năm 2021. Đại biểu cũng cho rằng, thời gian tới, khi xây dựng chính sách bảo hiểm y tế nên quy định theo đối tượng hưởng và không nên quy định theo vùng khu vực sẽ thiệt thòi cho những đối tượng nghèo.

Cần xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, trục lợi BHYT

Liên quan đến những vấn đề bất cập trong việc thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho biết, hiện nay Quỹ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội giữ và thực hiện việc giao dự toán kinh phí khám, chữa bệnh hàng năm cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này sẽ dẫn đến một thực tế các cơ sở khám chữa bệnh vừa phải khám chữa bệnh vừa phải tính có bị vượt dự toán hay không nên sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các khoản chi phí khám, chữa bệnh trong thực tế nhiều hơn mức được giao dự toán hàng năm. Phần vượt này muốn thanh toán, bổ sung thì phải được bảo hiểm xã hội thẩm định và thời gian thanh toán bổ sung thì kéo dài rất lâu, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh.

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, để khắc phục tình trạng này, các cơ sở khám, chữa bệnh và ngành y tế các địa phương cũng đã kiến nghị cần phải thành lập một Hội đồng thẩm định độc lập gồm các Sở Y tế, bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh. Hội đồng này sẽ hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định các thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo việc thanh toán chi đúng theo thực tế khám, chữa bệnh và đảm bảo tránh được tình trạng lợi dụng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Đây là một giải pháp vừa thiết thực, vừa hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đề xuất kiến nghị này đã được nghiên cứu và xem xét rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện để giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy kiến nghị cần quan tâm nghiên cứu về việc sớm triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện theo quy định của Bộ luật Y tế của Luật bảo hiểm y tế và xem đây là phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh để thay thế phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ. Gói dịch vụ y tế cơ bản để đảm bảo cho mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế khi có nhu cầu, không phân biệt giữa các nhóm đối tượng, không phụ thuộc vào khả năng chi trả và đáp ứng được khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Đặc biệt ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện sẽ khắc phục cơ bản được các tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh; Giải quyết được những bất cập trong phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua và sẽ không còn tình trạng thiếu sự thống nhất giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Đồng thời chấm dứt được việc giao dự toán chưa sát với thực tế hoặc chậm điều chỉnh dự toán làm cho một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại vì không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng sẽ tránh được bị xuất toán không phải lo chịu trách nhiệm chi phí về những khoản đã chi mà không thu hồi được từ bệnh nhân. Đây là phương thức chi trả hợp lý, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện Quỹ bảo hiểm y tế để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế đã diễn ra trong thời gian qua. Bởi qua số liệu thống kê và theo dõi tình hình thực tế tại các địa phương, thời gian qua còn nhiều vụ việc lập khống hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm y tế đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp, số lượng người nằm viện giảm, các cơ sở y tế hụt thu, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát tốt sẽ dẫn đến việc các cơ sở y tế sẽ làm hồ sơ khống để chi trả bảo hiểm nhằm trục lợi gây thất thoát cho quỹ./.

Bài liên quan
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc ngày 28/6.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất