Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt Nghị quyết TƯ 6 khóa XIII

Nguyễn Hằng/VOV1 | 05/12/2022, 15:51

Những chuyên đề này do các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt nhằm giúp các đại biểu nắm bắt một cách đầy đủ, chuẩn xác và có hệ thống tinh thần của các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) với các điểm cầu trên toàn quốc.

Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tổ chức chính trị-xã hội trong toàn hệ thống chính trị.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe các chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Những chuyên đề này do các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt nhằm giúp các đại biểu nắm bắt một cách đầy đủ, chuẩn xác và có hệ thống tinh thần của các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trình bày chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ, đến nay nhận thức lý luận nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng; Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng rõ ràng hơn và có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới chất lượng được nâng cao.

Hoạt động của Chính phủ được chủ động, tích cực, tập trung quản lý, điều hành vĩ mô, kiến tạo phát triển. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực; Tổ chức bộ máy của Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng được nâng lên.

Do đó quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hoá bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế. Mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ rõ những hạn chế đó là, tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Quyền Nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện. Việc cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiên minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

"Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền hiện đại, hiệu lực hiệu quả. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực" - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất