Làm giàu từ lagim - Bước đột phá của phụ nữ dân tộc thiểu số

Lơ Mu K’Yến – Quốc Học/VOV-Tây Nguyên | 05/10/2022, 07:59

Lagim là mô hình trồng các loại rau-củ-quả trong nhà kính cho thu hoạch hàng tháng đảm bảo chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình.

Lâm Đồng là địa phương nổi tiếng về lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, bà con dân tộc thiểu số cũng đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất rau, hoa mang lại giá trị kinh tế cao.

Tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, trước đây bà con chỉ trồng cà phê cả năm mới có thu nhập, nhưng hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình trồng lagim (rau-củ-quả) cho thu nhập quanh năm. Trong đó, gia đình chị Ka Lương (dân tộc K’Ho) ở thôn Phi Sour, xã Phi Tô là một điển hình.

Hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi đến thôn Phi Sour, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là rất nhiều biệt thự, nhà mái thái xen lẫn vườn cà phê và những khu nhà kính, nhà lưới. Gia đình chị Ka Lương (dân tộc K’ho Sre) ở sát mặt đường nhựa. Phía sau ngôi nhà khang trang là một khu nhà kính rộng 700 m2 có hệ thống tưới nước, bón phân tự động.

Đây là mô hình trồng lagim trong nhà kính đầu tiên ở thôn Phi Sour, xã Phi Tô. Chị Ka Lương cho biết, sau khi bán cà phê, gia đình đầu tư gần 500 triệu đồng để làm nhà kính. Sau vụ lagim đầu tiên thấy có hiệu quả, gia đình chị trồng thêm 4 sào cây su su và các loại củ, quả khác. Vốn quen với cây cà phê, nên khi chuyển sang trồng lagim là cách làm mới, chị Ka Lương phải tích cực tìm hiểu về khoa học kỹ thuật.

“Tại địa phương, Hội Phụ nữ xã chưa triển khai mô hình này nên tôi sang tận Đơn Dương để học hỏi kinh nghiệm. Tôi đi theo mấy chị em người Kinh để xem bên đó họ chăm sóc cây trồng như thế nào, họ dùng giống nào từ đó mình có kinh nghiệm về làm”, chị Ka Lương chia sẻ.

Trồng lagim trong nhà kính là một kỹ thuật mới, khác hoàn toàn so với canh tác cà phê. Chị Ka Lương cho biết, phải tranh thủ thời gian sáng sớm, hoặc giữa trưa, buối tối để chăm sóc. Trồng lagim đòi hỏi công phu, tỉ mỉ; đặc biệt là kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh gây hại. Sản phẩm gia đình chị làm ra đều được thương lái đến mua tận nơi, với giá cả ổn định và cao hơn thị trường bên ngoài.

Chỉ tính riêng nguồn thu từ 700 m2 nhà kính với các loại rau-củ-quả, mỗi tháng chị Ka Lương thu về hơn 10 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng, đảm bảo chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình. Ngoài ra, gia đình chị còn có 5 sào cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm và chủ động lương thực từ trồng lúa nước. Theo chị Ka Lương, việc chuyển sang trồng lagim trong nhà kính là hướng đi mới mang tính đột phá trong sản xuất của gia đình.

“Người dân tộc thiểu số mình quen với cách canh tác nông nghiệp lạc hậu nên thường chỉ trông chờ vào cây cà phê, cả năm mới thu được 1 lần trong khi mọi khoản chi tiêu trong gia đình, lo cho con cái học hành phải đi vay mượn hết. Cuối năm thu hoạch cà phê cũng không đủ trả nợ vay dù diện tích cà phê lên tới cả ha. Sau quá trình đi làm thuê cho anh em người Kinh, nghe họ khuyên nên làm mô hình lagim sẽ có thu nhiều hơn cây cà phê và có nguồn thu đều hàng tháng”, chị Ka Lương cho biết.

Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ tại Lâm Hà đã vận động chị em Hội viên mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Chị Ka Soanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phi Tô, huyện Lâm Hà cho biết, những năm qua ở địa phương đã có nhiều thay đổi trong lao động sản xuất, nhất là với phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu như gia đình chị Ka Lương.

“Ka Lương là hội viên người dân tộc K’ho tiêu biểu trong Hội Phụ nữ xã là một hội viên đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống, dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi tìm tòi để phát triển kinh tế gia đình. Hội Phụ nữ xã mong muốn tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là các hội viên là phụ nữ dân tộc thiểu số học hỏi gương vươn lên phát triển kinh tế của Ka Lương để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, chị Ka Soanh chia sẻ./.

Bài liên quan
Xây dựng nông thôn mới Thủ đô gắn với nông nghiệp công nghệ cao
VOVLIVE - Trên cơ sở mục tiêu và kết quả giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030, tiếp tục tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng nhanh nông sản qua chế biến, công nghiệp hóa hoàn toàn chăn nuôi gia cầm, lợn, đẩy mạnh công nghiệp hóa chăn nuôi bò, thủy sản và một số vật nuôi khác, phấn đấu không còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất