Đa dạng mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho hộ dân thoát nghèo bền vững

CTV Trung Kiên-Xuân Anh/VOV-Tây Bắc | 22/12/2023, 10:05

Đa dạng mô hình sinh kế bằng phát triển các cây trồng chủ lực, tiềm năng và sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh ở Bảo Yên, Lào Cai đã giúp hàng nghìn hộ dân có thêm điều kiện thoát nghèo bền vững.

Chú trọng đa dạng hoá mô hình sinh kế, Huyện Bảo Yên đã phát triển các cây trồng chủ lực, tiềm năng, vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thực hiện theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tới nay đã có rất nhiều mô hình sinh kế đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hàng nghìn hộ dân có thêm điều kiện thoát nghèo bền vững.

Thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, cây dâu tằm đang chứng minh được hiệu quả kinh tế tại nhiều địa phương của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc HTX Hoàng Hà cho biết, tại xã Kim Sơn hiện có hơn 10 hộ gia đình tham gia trồng dâu nuôi tằm theo mô hình liên kết, đem lại thu nhập ổn định. Khi tham gia mô hình, người dân được HTX cung ứng toàn bộ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dâu, nuôi tằm và thu mua toàn bộ sản phẩm. Nếu đầu ra ổn định, cây trồng này sẽ đem lại giá trị kinh tế rất cao so với cây lương thực truyền thống.

“HTX càng thu mua nhiều càng tốt, bởi vì khi có nhà máy chế biến cần phải có kén tằm, cho nên HTX không lo đầu ra khó khăn. Hơn nữa, cây dâu tằm là cây chủ lực nhất đem lại hiệu quả nhất cho bà con so với cây ngô, khoai, sắn…”, ông Toàn bày tỏ.

Đa dạng mô hình sinh kế, chuyển từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, theo hướng liên kết sản xuất với người dân đang là cách làm ở địa phương này. Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hiện có 25 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, vừa tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. 

Bà Hoàng Thị Huấn, bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên và chị Lò Thị Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Bảo Yên chia sẻ: “Từ ngày HTX mở chi nhánh tinh dầu ở xã, bà có công ăn việc làm cũng đủ thu nhập sinh hoạt cho gia đình hàng tháng”. “Từ lợi thế là từ cây quế, giá cả cũng như sức tiêu thụ của thị trường khá ổn định, trên cơ sở này chúng tôi cũng thành lập HTX”. 

Để trợ lực cho các mô hình sinh kế, địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhất là về nguồn vốn. Năm 2023, đã có trên 1.200 hộ, tương đương 87% số hộ thuộc nhóm nghèo tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Các gói tín dụng ưu đãi đã bám chương trình, nghị quyết của tỉnh, của huyện, đầu tư đúng hướng vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản, phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ… 

Nhờ đa dạng sinh kế, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phát huy hiệu quả đang giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2023, có trên 2.000 hộ nghèo, cận nghèo thoát khỏi nhóm nghèo, thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm. Những con số này đã minh chứng cho hướng đi đúng từ đa dạng hoá mô hình sinh kế.

Bài liên quan
Tháo dỡ cột phát sóng ở Lào Cai, 2 công nhân tử vong
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, vào khoảng 17h ngày 15/7, trên địa bàn thôn Pác Mạc, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất