Hoa quả chất lượng cao ở Sơn La, "thảm đỏ" đón nhà đầu tư chế biến

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc | 16/05/2022, 10:11

Với sản lượng quả bình quân đạt khoảng 450.000 tấn mỗi năm, Sơn La đang mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Tỉnh Sơn La những năm gần đây được xem là “hiện tượng nông nghiệp của cả nước”, khi chủ trương chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu. Với sản lượng quả bình quân đạt khoảng 450.000 tấn mỗi năm, Sơn La đang mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La (thuộc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) ở huyện Mai Sơn sau hơn 1 năm rưỡi thi công sẽ chính thức khánh thành đi vào hoạt động từ cuối tháng 5 này. Đây là một trong số những dự án lớn, đầu tư vào lĩnh vực chế biến rau quả mà tỉnh Sơn La kêu gọi thu hút đầu tư trong 2 năm qua.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Sơn La cho biết, dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La là tổ hợp chế biến hiện đại khép kín từ khâu liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu đến chế biến tinh, chế biến sâu, cùng hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Với quy mô hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ hơn 500 nghìn tấn rau quả các loại mỗi năm, như xoài, chanh leo, bơ… qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động địa phương...

Để  nhà máy có nguyên liệu sản xuất, Công ty đã liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn trồng gần 500 ha dứa Queen, ngô ngọt, đậu tương, rau, chanh leo… đồng thời, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, HTX hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp, cam kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay: "Khi vùng nguyên liệu ổn định, nhà máy chế biến và cơ chế chính sách của tỉnh tốt thì chúng tôi sẽ gắn bó rất lâu dài. Chúng tôi cũng rất cảm ơn tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể triển khai thành công dự án này và hy vọng chúng tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ bé trong công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La".

Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và được cấp ủy, chính quyền khuyến khích bằng các chính sách phù hợp, không ít doanh nghiệp ở Sơn La đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tham gia xuất khẩu nông sản. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai ở huyện Mai Sơn những năm gần đây, khi sản phẩm trái cây của địa phương tăng cao về năng suất và chất lượng, được thị trường trong trong nước và thế giới ưa chuộng, đã tham gia vào việc kết nối và xuất khẩu sản phẩm hoa quả.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2021, công ty đã xuất khẩu gần 8.000 tấn quả các loại. Mục tiêu năm nay là xuất khẩu bằng, hoặc cao hơn số lượng quả đã xuất khẩu của năm trước, với các sản phẩm chủ yếu là xoài, nhãn, thanh long…

"Từ đầu vụ chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cùng với mã số vùng trồng và nhà sơ chế… để đảm bảo xuất khẩu. Sau đó, chúng tôi cũng chuẩn bị nguồn nhân lực để đảm bảo kỹ thuật cho tất cả các điểm thu, gom sơ chế để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Quan trọng nữa là doanh nghiệp chúng tôi đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn về dịch bệnh, làm sao để toàn bộ hàng hóa của chúng tôi có thể thông quan được hết" - bà Bích Ngọc chia sẻ.

Những năm gần đây, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện “nhiệm vụ kép” để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện dự án, nên hoạt động thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Thống kê trong 3 năm trở lại đây, địa phương đã phê duyệt mới, cấp mới Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 116 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu là 10.070 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn  tham gia vào lĩnh vực khai thác chế biến nông sản chủ lực của tỉnh, như: Tập đoàn TH đầu tư Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược ở huyện Vân Hồ; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xây dựng Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La tại huyện Mai Sơn…

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, kết quả thu hút đầu tư trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Ông Công nêu rõ: "Kết quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh; hai là đẩy mạnh công nghiệp chế biến của tỉnh Sơn La trong lĩnh vực nông nghiệp; ba là tạo được mối liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp với các nhà máy chế biến lớn và các khu đô thị chúng ta đã hình thành nên, tạo thành các hạ tầng thương mại rất là tốt. Cùng với đó là từ thu hút đầu tư, đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho người dân, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói riêng và ổn định chính trị - xã hội cho toàn tỉnh nói chung".

Từ hơn 80.000 ha diện tích cây ăn quả hiện nay, Sơn La đang đẩy mạnh việc sắp xếp cơ cấu cây trồng chủ lực theo từng vùng, từng địa phương, nhằm hình thành vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy hiện có và nhà máy đang triển khai xây dựng đảm bảo công suất hoạt động.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy chế biến sâu nông sản, chợ đầu mối… trên địa bàn, nhằm thu hút đầu tư, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc vào năm 2025./.

Bài liên quan
Nhiều hồ, đập thủy lợi tại Sơn La cạn nước do nắng nóng
Từ đầu năm đến nay nhiều địa phương ở Sơn La không có mưa hoặc mưa với lượng rất nhỏ, cộng với thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài khiến cho nhiều hồ đập thủy lợi cạn nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất