Giao tranh sống còn ở Crimea được quyết định ở eo đất rộng chỉ 5km

30/03/2023, 08:51

Các cuộc tấn công UAV gần đây của Ukraine vào Crimea đã cho thấy Kiev đang nỗ lực vô hiệu hóa hỏa lực của Nga trên Bán đảo này giữa bối cảnh Kiev chuẩn bị tiến hành cuộc phản công được dự đoán từ lâu.

Ukraine ưu tiên tấn công các tài sản quân sự của Nga ở Crimea

Nga đã sử dụng nhiều cơ sở quân sự ở Crimea, trong đó có cảng Sevastopol – nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen và căn cứ không quân Saki để tiến hành không kích tên lửa vào Ukraine, cũng như hỗ trợ các lực lượng mặt đất ở phía Nam và phía Đông nước này.

Gần đây, các quan chức Nga xác nhận các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái trên không và trên biển nhắm vào cảng Sevastopol và trung tâm đường sắt Dzhankoi nhưng phủ nhận bất kỳ tổn thất nào đối với các tài sản quân sự Nga.

Theo các quan chức Ukraine, một chuyến vận chuyển bằng đường sắt tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã bị tấn công ở Dzhankoi, cách vị trí gần nhất của Ukraine khoảng 130km. Dù vậy, Kiev vẫn tránh nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga cũng như Crimea.

"Đây là một phần của các quá trình sẽ diễn ra trước khi phi quân sự hóa và giải phóng Bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine", Andriy Yusov, một quan chức tình báo quân sự Ukraine nói với Financial Times. Các cuộc tấn công UAV này ít dữ dội hơn vụ nổ vào tháng 10 năm ngoái từng gây hư hại cho cầu Crimea. Tuy nhiên, Kiev dường như vẫn tiếp tục ưu tiên các hoạt động gây hư hại hoặc phá hủy các tài sản quân sự của Nga ở Crimea.

"Nó phải bị vô hiệu hóa, phải bị suy giảm và phải bị tấn công", Andriy Zagorodnyuk - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hiện là người đứng đầu Trung tâm Chiến lược Quốc phòng chuyên cố vấn cho chính phủ về các vấn đề an ninh cho hay.

Mỹ đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine với tầm bắn có thể tấn công Bán đảo Crimea. Washington và các nước phương Tây lo ngại Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn Ukraine giành lại Bán đảo này.

Ngày 25/3, Tổng thống Putin đã thông báo sẽ đặt các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus vào năm nay.

Gần đây, Kiev đã đề cập đến sự thay đổi thái độ của Washington với việc các quan chức Mỹ dường như chấp nhận tình thế cấp thiết của Ukraine về mặt chiến lược nhằm ngăn Nga sử dụng Crimea để triển khai các hoạt động quân sự.

"Có một số lượng lớn các cơ sở quân sự ở Crimea mà Nga biến thành các cơ sở hậu cần quan trọng trong chiến dịch này. Chúng là những mục tiêu hợp pháp. Ukraine đang tấn công chúng và chúng tôi ủng hộ điều đó", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhận định vào tháng trước.

Khi được hỏi liệu các mục tiêu của Mỹ và Ukraine có thống nhất với nhau liên quan đến vấn đề Crimea hay không, bà Nuland đã trả lời rằng: "Trong giai đoạn tiếp theo, xét trên những điều Ukraine muốn làm trên chiến trường và những điều chúng tôi có thể hỗ trợ họ thực hiện điều đó thì câu trả lời là có", bà Nuland nói.

Vì sao Crimea là “môi trường giàu mục tiêu”?

Hơn một năm xung đột ở Ukraine nổ ra, bất chấp các cuộc không kích UAV gây tổn thất cho một số căn cứ không quân và máy bay chiến đấu trên Bán đảo Crimea, Nga vẫn khẳng định ưu thế về số lượng tàu chiến và chiến đấu cơ nhằm đối phó với các cuộc không kích của Ukraine.

Phillip Karber, một chuyên gia quân sự Mỹ cho biết Crimea đang được Nga sử dụng như một "mũi nhọn quân sự để nhắm vào trung tâm Ukraine".

Bán đảo Crimea là nơi đặt 6 sân bay của Nga, 20 bến tàu, 12 hệ thống radar phòng không tầm xa, doanh trại, trung tâm kiểm soát và chỉ huy cùng với cầu Crimea. Tất cả những cơ sở này biến Crimea thành "một môi trường giàu mục tiêu" với "tác động chiến lược", ông Karber cho hay.

Theo ông, để Crimea không còn giá trị về quân sự, Ukraine cần tiến hành một chiến dịch tấn công UAV và tên lửa trên quy mô lớn kéo dài vài ngày.

Kiev đang tăng cường nỗ lực phát triển UAV và tìm kiếm các phương tiện có khả năng tấn công tầm xa từ phương Tây. Dù vậy, hiện chưa rõ liệu Kiev có đủ số lượng UAV và tên lửa hay không để thực hiện một chiến dịch đủ lớn nhằm phi quân sự hóa Crimea và tiến hành các cuộc phản công ở những nơi khác.

Theo ông Mykola Bielieskov - một nhà phân tích tại Viện Quốc gia về Nghiên cứu Chiến lược của Ukraine cho biết Kiev "có thể ứng phó nhưng chỉ ở một mức độ nào đó nếu không có ATACMS". ATACMS là Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân có tầm bắm lên tới 300km và có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực HIMARS.

"Nó (Crimea – ND) thực sự là một pháo đài quân sự ngay giữa Biển Đen. Đây là mối đe dọa với tất cả quốc gia ở khu vực này và dĩ nhiên, chủ yếu là Ukraine", Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine tại Kiev cho hay.

Theo Cố vấn chính phủ Ukraine Zagorodnyuk cho biết trong khi hiện chưa rõ liệu cuộc phản công tiếp theo của Ukraine có nhắm vào các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở phía Đông và phía Nam nước này hay không thì "nếu nó đi theo hướng Nam thì chắc chắn Crimea là chìa khóa".

Cuộc giao tranh sống còn được quyết định ở eo đất rộng chỉ 5km

Ngày 9/8, sau vụ nổ tại một căn cứ không quân của Nga trên Bán đảo Crimea, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố cuộc xung đột với Nga "bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea".

Gần đây, sau khi các quan chức Ukraine cho biết phương Tây dường như cởi mở hơn với ý tưởng Kiev vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow, đó là giành lại Crimea, ông Vadym Skibitskyi, đại diện Cục Tình báo Chính thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, thông tin tình báo quân sự ở khu vực cho thấy các lực lượng của Nga ở Bán đảo Crimea vẫn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Theo ông, quân đội Nga đang đào hào trên các bãi biển tại những vị trí mà họ cho là có thể diễn ra chiến dịch tấn công đổ bộ.

Theo ông: "Các cơ sở hạ tầng được duy trì trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các phương tiện trên không và trên mặt đất cũng đang được bố trí tại Crimea. Có khoảng 90 máy bay chiến đấu, 60 trực thăng ở đây".

Viện Nghiên cứu Chiến tranh sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh cũng cho biết quân đội Nga đang xây dựng các pháo đài phòng thủ ở phía Nam Ukraine, dọc biên giới với Crimea.

"Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Nga đã tăng cường số lượng rào chắn và hào chiến dọc các con đường ở khu vực Kherson dẫn tới Bán đảo Crimea trong một vài tháng qua", báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho hay.

Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Moscow sẽ sử dụng "bất kỳ phương tiện nào" nếu Ukraine nỗ lực giành lại Bán đảo này.

Nếu một chiến dịch quân sự nổ ra, giành quyền kiểm soát Crimea sẽ không phải một cuộc giao tranh dễ dàng. Những lựa chọn như tấn công đổ bộ hoặc tấn công bằng chiến đấu cơ đều rủi ro cao giữa bối cảnh Nga bố trí các hệ thống phòng không và phòng thủ trên biển.

Trong trường hợp không có lực lượng hải quân và đổ bộ lớn, chỉ có một lối vào bán đảo này là Eo đất Perekop rộng 5km. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể khiến các lực lượng của Ukraine rơi vào khu vực Nga đang tăng cường phòng thủ.

Lực lượng tấn công trên bộ sẽ ở thế bất lợi lớn, ngay cả khi họ chiếm ưu thế trên không và trên biển. Trong khi đó, Ukraine vẫn không thể đạt được ưu thế này.  Thách thức trên sẽ cần các kỹ năng và phương tiện khác nhau để đối phó, điều mà chưa có chiến dịch nào thực hiện được cho đến nay.

Không phải ngẫu nhiên mà eo đất trên có tên là Perekop - nghĩa là "hào chiến". Eo đất này được củng cố bởi nhiều cường quốc trong hàng thế kỷ và lịch sử cho thấy sẽ rất khó để giành được nó bằng một cuộc tấn công trực tiếp.

Mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch phản công của Ukraine ở phía Nam là cô lập hoàn toàn Crimea khỏi tuyến cung cấp hậu cần của Nga. Mặc dù cầu Crimea đã được sửa chữa nhưng nó vẫn là một mục tiêu dễ bị tấn công và việc cây cầu này phải đóng cửa một lần nữa sẽ đồng nghĩa với việc Nga phải cung cấp hậu cần bằng đường biển hoặc đường hàng không, vốn không ổn định về mặt thời gian.

Những nỗ lực tăng cường phòng thủ chuẩn bị trước cho cuộc tấn công của Ukaine cho thấy Moscow cân nhắc nghiêm túc khả năng này. Cuộc tấn công trên chủ yếu sẽ phụ thuộc vào việc liệu Kiev có nhận được đủ vũ khí hay không.

Dù vậy, một điều chắc chắc là cuộc giao tranh ở Crimea sẽ là khoảnh khắc quyết định hướng đi của cuộc xung đột./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất