Châu Âu đau đầu giải bài toán kép trong xung đột Ukraine

12/05/2025, 21:03

VOVLIVE - Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ giảm cam kết an ninh với châu Âu đã buộc các đồng minh phải tăng cường tự vũ trang và điều đó khiến họ ít có khả năng hỗ trợ Ukraine hơn.

Bài toán kép của châu Âu

Kể từ khi ông Trump nhậm chức với cam kết giảm bớt sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, các lãnh đạo châu Âu lo ngại họ sẽ không thể cung cấp đủ vũ khí cho Kiev. Cho đến nay, điều đó có vẻ đang trở thành sự thật. Liên minh các quốc gia tự nguyện ở châu Âu ủng hộ Ukraine đang gặp khó khăn trong việc đưa khí tài ra tiền tuyến kể từ khi ông Trump tuyên bố châu Âu cần gánh vác nhiều hơn cho an ninh của Ukraine và cho chính họ.

Đó là một phần lý do khiến Quốc hội Ukraine ngày 8/5 thông qua với tỷ lệ áp đảo thỏa thuận cho phép Mỹ được chia phần doanh thu tương lai từ tài nguyên thiên nhiên của Kiev, bao gồm khoáng sản. Mặc dù chưa phải một cam kết an ninh chính thức nhưng thỏa thuận này để ngỏ khả năng Ukraine tiếp tục nhận được viện trợ quân sự và vũ khí từ Mỹ.

"Điều này cho chúng tôi hy vọng", Yehor Chernev - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo Quốc hội Ukraine, phát biểu.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau cuộc bỏ phiếu, ông Chernev cho biết quân đội Ukraine đang cạn dần tên lửa tầm xa, pháo và đặc biệt là các hệ thống phòng không đạn đạo, phần lớn trong số đó được sản xuất tại Mỹ, theo phân tích của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.

Đến mùa hè, nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine được phê duyệt dưới thời chính quyền Tổng thống Biden sẽ cạn kiệt, trong khi ông Trump tỏ ra do dự trong việc gia hạn.

"Tổng thống Zelensky nói với tôi rằng cần thêm vũ khí và ông ấy đã nói vậy trong suốt 3 năm rồi", Tổng thống Trump chia sẻ sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ukraine tại Rome vào tháng trước. Hiện nay chính quyền ông Trump đã cho phép Ukraine mua một số vũ khí nhỏ từ các nhà sản xuất tư nhân Mỹ nhưng không có hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

Các nước châu Âu đóng góp khoảng một nửa trong tổng số viện trợ quân sự ước tính lên tới 130 tỷ USD dành cho Kiev, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt và Mỹ cung cấp phần còn lại.

Ngày 10/5, một quan chức Quốc hội Mỹ xác nhận Washington đã phê chuyển việc Đức chuyển giao 125 tên lửa tầm xa và 100 tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine. Các loại vũ khí này đều do Mỹ sản xuất và không thể xuất khẩu nếu không có sự cho phép của chính phủ Mỹ, ngay cả khi một quốc gia khác sở hữu chúng.

Trong khi các nhà lãnh đạo và các nhà đầu tư châu Âu sẵn sàng rót thêm tiền vào sản xuất quốc phòng thì các ông chủ doanh nghiệp công nghiệp và chuyên gia nhận định, phải mất khoảng một thập kỷ để dây chuyền sản xuất đạt công suất cần thiết.

"Châu Âu đang cố gắng bù đắp phần hỗ trợ bị mất từ Mỹ nhưng đáng tiếc là họ không đủ năng lực làm điều đó. Từ lúc ra quyết định đến lúc thực sự có viện trợ phải mất một khoảng thời gian", ông Chernev nói.

Mặc dù trong những ngày gần đây, ông Trump thể hiện lập trường gần gũi hơn với Ukraine, bao gồm cả việc đe dọa trừng phạt Nga nếu Moscow từ chối lệnh ngừng bắn kéo dài nhưng thái độ lạnh nhạt của ông với vai trò 80 năm của Mỹ trong việc bảo vệ châu Âu đã buộc các đồng minh ở đây phải đánh giá lại tình trạng an ninh của mình.

Các đồng minh lo ngại ông Trump sẽ rút lực lượng răn đe Nga - bao gồm quân đội Mỹ và chiếc ô hạt nhân khỏi châu Âu. Điều này khiến các nước phải ưu tiên củng cố năng lực phòng vệ của mình và giảm khả năng hỗ trợ cho Ukraine.

"Họ đang đối mặt với bài toán kép: vừa phải tái vũ trang cho chính mình, vừa phải viện trợ cho Ukraine nhưng năng lực công nghiệp hiện nay không đủ để làm cả hai việc cùng lúc", ông Matthew Savill – Giám đốc chương trình nghiên cứu quân sự tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay.

Ông cho rằng châu Âu có thể dần thay thế phần viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine “trong trung và dài hạn, nếu họ thực sự có quyết tâm nhưng tôi không chắc điều đó tồn tại". Tuy nhiên, ông Savil khẳng định châu Âu không có khả năng thay thế Mỹ trong ngắn hạn.

Vấn đề sống còn của Ukraine

Vũ khí không chỉ là vấn đề sống còn với các binh lính Ukraine. Nếu không được hỗ trợ đầy đủ, Ukraine có thể buộc phải rút lui, đồng nghĩa với việc sẽ mất thêm lãnh thổ. Thỏa thuận ngừng bắn mà ông Trump đang cố gắng làm trung gian sẽ đóng băng xung đột ở tiền tuyến hiện tại, cho phép Nga giữ được phần lãnh thổ đã chiếm được tính đến thời điểm đó.

Chắc chắn, dòng viện trợ vũ khí từ châu Âu sẽ vẫn tiếp tục, ngay cả khi nguồn cung từ Mỹ bị gián đoạn. Đức gần đây đã chuyển cho Ukraine hơn 60 xe bọc thép chống mìn, khoảng 50.000 quả đạn pháo và đạn dược phòng không, bao gồm cả tên lửa đánh chặn IRIS-T có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình. Một số máy bay không người lái do Anh và Na Uy tài trợ được công bố hồi tháng trước như một phần trong gói an ninh trị giá 600 triệu USD hiện đã đến tay lực lượng Ukraine. Estonia cũng đã viện trợ thêm cho Kiev 10.000 quả đạn pháo.

Tuy nhiên, phần lớn cam kết hỗ trợ quân sự mà các nước châu Âu đưa ra tại trụ sở NATO vào tháng trước đều mang tính dài hạn, tập trung vào việc sản xuất hoặc mua sắm vũ khí trong những năm tới chứ không phải hỗ trợ ngay lập tức. Do đó, Ukraine vẫn có thể cần dựa vào nguồn vũ khí từ Mỹ trong một thời gian nữa.

Một phần hỗ trợ tài chính từ châu Âu sẽ được dùng để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ông Chernev cho biết, hiện có khoảng 800 công ty vũ khí đang hoạt động tại Ukraine. Ông ước tính, trong những năm tới, Ukraine có thể sản xuất lượng vũ khí trị giá 35 tỷ USD nhưng cần ít nhất 14 tỷ USD đầu tư từ các đồng minh để đạt được năng lực này. Ngày 10/5, Đan Mạch thông báo sẽ chuyển khoảng 930 triệu USD từ tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine thông qua một quỹ của EU.

Ukraine hiện đang sản xuất hàng triệu UAV, trong đó có các UAV cảm tử giá rẻ nhằm tiết kiệm đạn pháo. Một quan chức tình báo phương Tây theo dõi sát cuộc xung đột ở Ukraine cũng cho biết, Kiev đã sử dụng tên lửa phòng không Patriot một cách tiết kiệm hơn.

“Họ muốn có thêm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và nhiều loại vũ khí khác nữa. Nhưng trước mắt, họ sẽ phải tìm cách lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại", ông Savil cho hay.

Bài liên quan
Đặc phái viên Tổng thống Trump gây tranh cãi vì dùng phiên dịch viên của Nga
VOVLIVE - Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Witkoff đã phá vỡ nghi thức lâu đời khi không sử dụng phiên dịch viên riêng trong 3 cuộc họp cấp cao với Tổng thống Nga, thay vào đó, ông chọn sử dụng phiên dịch viên từ Điện Kremlin, một quan chức Mỹ và hai quan chức phương Tây có hiểu biết về các cuộc đàm phán nói với NBC News.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Đài Tiếng nói Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Belarus
VOVLIVE - Ngày 12/05/2025, tại Thủ đô Minsk, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Belarus.
Mới nhất