ĐBQH: “Lãnh đạo cấp xã kiêm nhiệm cơ quan chuyên môn để gần dân, sát dân”

Ngọc Thành/VOV.VN | 13/05/2025, 13:12

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng, việc dự kiến bố trí 2 Phó Chủ tịch UBND cấp xã kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, giúp việc của UBND là phù hợp để chính quyền cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ dân.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng cho rằng, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chưa có tiền lệ ở nước ta nên triển khai thực tế sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Như khi hợp nhất 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình thì định hướng trước mắt giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức để sắp xếp, bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng hoặc bố trí công tác tại cấp xã, nhưng sau đó tinh giản, bảo đảm trong 5 năm đưa biên chế về đúng số lượng cấp thẩm quyền giao. Tương tự với cấp xã, phường, đặc khu cũng vậy.

“Điều mà cử tri trăn trở là những cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ chấm dứt hoạt động từ 1/7. Như tỉnh Nam Định, trước đây đã sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, khi đó Chủ tịch MTTQ là cán bộ xã, có người xuống làm Phó Chủ tịch, chuyển thành cán bộ không chuyên trách. Bây giờ sắp xếp thì xử lý chế độ cho họ thế nào? Đây là thực tiễn đặt ra phải tính toán”, ông Dũng nói.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định, những việc cụ thể với chính quyền cấp xã, cấp tỉnh cũng phải bàn. Theo thông tin, UBND xã, phường, đặc khu được bố trí 4 phòng, trong đó 2 Phó Chủ tịch UBND cấp xã kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, giúp việc của UBND. Đây là phương án phù hợp với tinh thần của Trung ương, để chính quyền cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ dân. Người dân, doanh nghiệp phải được cơ quan Nhà nước phục vụ chu đáo, tận tình, bảo đảm thời gian, nội dung, phạm vi công việc.

Ông Nguyễn Hải Dũng cho biết, khi góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được Quốc hội bàn tại kỳ họp này, ông đề nghị thêm một nguyên tắc với cán bộ, công chức là phải giải quyết công việc, nhất là thủ tục hành chính đúng thời gian, không để người dân, doanh nghiệp phàn nàn vì chậm trễ. Vi một thủ tục hành chính kéo dài lê thê có thể gây ra những thiệt hại vô hình và hữu hình cho người dân, doanh nghiệp.

Một yêu cầu nữa là khi tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là phải chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, nâng cấp hạ tầng đường truyền, trang bị máy móc. Nhất là thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì yêu cầu nâng cao năng lực công nghệ số để hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã.

“Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công việc quản lý của cán bộ lãnh đạo cũng rất nhàn. Chỉ cần online, họ có thể biết ngay những việc cán bộ, công chức đang làm đến đâu, có bảo đảm thời gian không. Từ đó, có thể đánh giá được chất lượng cán bộ, công chức, thực hiện đúng nguyên lý “có vào có ra, có lên có xuống”, ông Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.

Hay về trụ sở dôi dư sau sắp xếp, ông Nguyễn Hải Dũng cho biết, giai đoạn trước có đơn vị dùng trụ sở đó cho trường tiểu học, mầm non, nhưng không phổ biến. Những trụ sở không sử dụng thì xuống cấp, hư hỏng rất nhanh. Do đó, nếu không khai thác được sẽ gây thiệt hại rất lớn.

“Tới đây, không chỉ trụ sở UBND xã, mà cả trụ sở các sở, rồi các trạm y tế xã… cũng sẽ dôi dư sau sắp xếp. Đây là vấn đề địa phương đang rất bối rối. Muốn chuyển đổi công năng, phải xem xét cụ thể hiện trạng trụ sở đó, tòa nhà đó dùng làm việc gì thì mới chuyển đổi. Cho nên, tôi rất mong Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để thay đổi công năng của các trụ sở dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập hoặc có những biện pháp xử lý kịp thời để không gây lãng phí tài sản của Nhà nước nói riêng và của tài sản của xã hội nói chung”, ông Nguyễn Hải Dũng nói.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhấn mạnh, Kế hoạch của Trung ương, Chính phủ đã nêu rất rõ, chậm nhất đến 15/8 tất cả đơn vị hành chính cấp xã mới phải đi vào hoạt động; chậm nhất 15/9, các tỉnh, thành mới sau sáp nhập phải đi vào hoạt động.

Tại Kỳ họp 9, Quốc hội đang bàn sửa Hiến pháp và nhiều luật, cũng hướng đến mốc thời gian 15/8, 15/9 để chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động bình thường; đảm bảo rằng khi cán bộ, công chức ở cấp xã, cũng như ở cấp tỉnh đã được sắp xếp, bố trí vào vị trí mới thì toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân, không có gì phải bản khoăn, lo lắng.

“Thực tế, tất cả các cơ quan hành chính, cũng như cán bộ, công chức trong hệ thống đều xác định phải bắt tay vào làm việc trong môi trường mới, điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Họ và ngay bản thân tôi cũng chuẩn bị tâm thế, tư tưởng, cũng như xác định điều kiện đi lại, ăn ở. Điều cán bộ, công chức mong chờ là có những quy định hỗ trợ về nơi ăn, chỗ ở, điều kiện đi lại, cũng như các quy định pháp lý minh bạch, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Tôi nghĩ, khi các cấp giải quyết được những yếu tố này thì bộ máy mới vận hành thông suốt”, theo ông Nguyễn Hải Dũng.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng tin tưởng, với sự đồng thuận của Đảng, nhất trí ủng hộ của Nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.

Bài liên quan
Dự kiến rút ngắn quy trình, thủ tục bầu cử sau sáp nhập các địa phương
VOVLIVE - Dự Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND sửa đổi đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đáp ứng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Đài Tiếng nói Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Belarus
VOVLIVE - Ngày 12/05/2025, tại Thủ đô Minsk, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Belarus của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Belarus.
Mới nhất