Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân tìm cách ứng phó

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên | 12/05/2022, 09:34

Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều nông dân Đắk Lắk gặp khó trong đầu tư sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nông dân đã tự “gỡ khó” bằng việc tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để ủ phân bón, áp dụng nông nghiệp tuần hoàn để giảm chi phí sản xuất.

Ông Đỗ Hữu Minh ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn có hơn 2 hecta trồng cà phê, hồ tiêu và xen canh một số loại cây ăn trái. Ông cho biết, mỗi năm gia đình phải bỏ ra từ 35-40 triệu đồng mua phân hóa học. Khi giá phân bón tăng cao, ông tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp có sẵn để ủ phân bón. Hơn 1 năm nay ông sử dụng phân vi sinh ủ từ vỏ cà phê, gié tiêu, vỏ trấu bón cho cây trồng, không những cải tạo đất, bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí đầu tư .

“Hồi trước bỏ phân NPK, hoá học nhưng bây giờ toàn bộ là vi sinh hết. Vi sinh chính tôi làm ra từ các loại cây thực vật sẽ ủ thành phân rất có lợi. Về phân hoá học, mỗi năm bón 1 năm ở giá 35 triệu đồng nhưng giờ ủ phân vi sinh 4-5 triệu đồng đã có vườn 2 hecta là tưới thoải mái”, ông Đỗ Hữu Minh chia sẻ.

Đối với Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Phú Nông Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn, thì việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp phục vụ tái sản xuất đã được thành viên hợp tác xã thực hiện thuần thục. Quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc hợp tác xã cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, hạn chế sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường.

“Để giảm chi phí đầu vào thì tận dụng các phế phẩm từ chăn nuôi, dùng phân của vật nuôi có thể nuôi trùn quế rồi lấy trùn quế làm thức ăn cho gà, cho vịt, cho cá thì sẽ giảm được chi phí đầu vào. Cố gắng hướng người nông dân sản xuất theo hướng tuần hoàn sẽ giảm chi phí đầu vào tăng giá trị thu nhập khi sản phẩm mình làm ra vẫn đạt các tiêu chuẩn”, ông Trần Văn Toàn cho hay.

Nông nghiệp tuần hoàn cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk thực hiện thích ứng trước cơn “bão giá” vật tư phân bón, đồng thời hướng tới một nền nông nghiệp xanh bền vững, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín thì gần như ít bị ảnh hưởng vào giá thành từ phân bón bên ngoài. Bởi vì trong quá trình sản xuất tạo ra những phân bón, nguồn thức ăn tại chỗ và cũng gần như đáp ứng các quy định cơ bản trong tiêu chuẩn hữu cơ là phải tạo ra nguồn dinh dưỡng thức ăn tại trang trại tối thiểu phải đạt được 50% cho hoạt động chăn nuôi cũng như phân bón cho cây trồng”, ông Phạm Hữu Thời, Tổng giám đốc công ty TNHH nông nghiệp Nhất Thống, đơn vị chuyên sản xuất, xuất khẩu nông sản hữu cơ cho biết.

Đắk Lắk là tỉnh có nền nông nghiệp rất đa dạng nên khối lượng phụ phế phẩm thải ra rất lớn. Đây là điều kiện để có thể phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng tuần hoàn. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đặc biệt, trong thời điểm giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, việc tận dụng được nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu cho quy trình sản xuất khác sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí./.

Bài liên quan
Cháy lớn tại kho chứa nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi ở Tiền Giang
Sáng 15/2, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (công an tỉnh Tiền Giang) tích cực chữa cháy, khống chế đám cháy lan tại một kho chứa nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại Thành phố Mỹ Tho.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất