Đất sử dụng đa mục đích cần được quy định cụ thể và chi tiết

Uông Thu Huyền/VOV1 | 11/03/2023, 17:49

Về mặt quản lý nhà nước, càng có quy định rõ ràng càng thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời làm tăng thêm giá trị sử dụng đất, tránh thất thu thuế.

Tại Điều 209, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đề xuất nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích là không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính; không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề,...

Trong đó, lần đầu tiên, các quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh… được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi.

Theo Nghị quyết 18 NQTW ngày 16/6/2022, Luật Đất đai sẽ sửa đổi theo hướng xây dựng quy định quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Các ý kiến đề nghị cần làm rõ quy định đất sử dụng đa mục đích là gì, nguyên tắc để xác định đất sử dụng đa mục đích.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, đất di tích lịch sử là gì, đất tôn giáo là gì, đất tín ngưỡng là gì, đất y tế là gì cần phải được định danh. Ngoài ra còn cần định danh đất di tích lịch sử, đất tôn giáo, đất y tế… và khi hiểu rõ như thế nào mới đi vào chế định và sử dụng.

Khoản 3 điều 209 dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định: “Mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Theo ông Phan Văn Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và phát triển, về mặt quản lý nhà nước, càng có quy định rõ ràng càng thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời làm tăng thêm giá trị sử dụng đất, tránh thất thu thuế. Do vậy, khoản 3 điều luật này cần quy định cụ thể hơn.

“Về mặt quản lý nhà nước quy định càng chi tiết, càng rõ ràng sẽ càng dễ quản lý, phát huy được việc thu đúng, hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và nhà nước. Tránh tình trạng đất có nhiều mục đích khác nhau nhưng chỉ thu thuế cho 1 mục đích. Ví dụ trong đất có sử dụng cho trông xe có thể thu thuế đất kinh doanh…”, ông Lâm đề xuất.

Cùng quan điểm này, PGS. TS. Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, nếu quy định đất sử dụng đa mục đích sẽ có cơ chế pháp lý điều tiết nguồn thu rất cụ thể rõ ràng. Tránh tình trạng việc đánh đồng giữa đất với mục đích chính là nông nghiệp, nhưng lợi nhuận thực tế lại được tạo ra rấ lớn, từ đó có thể giải quyết được những tồn tại lịch sử, tận dụng nguồn thu.

Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên, quy định về Đất sử dụng đa mục đích được đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, cần làm rõ nguyên tắc để xác định đất sử dụng đa mục đích. Ngoài ra, cũng cần có quy định cụ thể đối với các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng đất đa mục đích trong trường hợp các loại đất trên cùng một thửa đất có thời hạn sử dụng khác nhau… nhằm phát huy tối đa mục đích sử dụng đất./.

Bài liên quan
Luật Đất đai 2024 có thể được thi hành từ ngày 1/7/2024
Luật Đất đai 2024 có thể được thi hành từ ngày 1/7/2024, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất